Dân Việt

Đội xe ôm cấp cứu

Dũ Tuấn 16/03/2015 07:26 GMT+7
Mỗi khi gặp cướp, kẻ gian hay người bị tai nạn giao thông giữa đường, 34 thành viên “Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu” (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đều sẵn sàng gác việc kiếm ăn để ra tay truy bắt hoặc giúp đỡ. 

Xe ôm cứu thương

Ông Nguyễn Văn Minh - Đội trưởng Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu cho biết: “Chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường, chờ xe cứu thương thì lâu quá, anh em xe ôm tự quản chúng tôi chở người gặp nạn đến bệnh viện luôn. Để công việc nhân đạo này được tiến hành rộng khắp, tháng 6.2014, Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình triển khai mô hình: Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu. 34 thành viên xe ôm tham gia ngay”. Theo ông Minh, 34 thành viên đều là những anh em làm nghề xe ôm, lâu năm có mà mới ra nghề cũng có, được chia thành 2 tổ, phân bố dọc các ngã đường thị trấn Hà Lam. Tham gia đội là hoàn toàn tự nguyện và không hưởng một đồng thù lao nào. Mỗi tháng, các thành viên đóng lệ phí 30.000 đồng để có tiền thăm nom, quà tết giúp đỡ anh em khi gặp khó khăn, thiếu thốn.

img

Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu tại ngã tư Hà Lam.

“Anh em trong đội xem nhau như gia đình. Chúng tôi làm việc không lương, chỉ xuất phát từ lương tâm của mình thôi. Nhiều đêm đang chở khách nhưng gặp tai nạn cũng đành bỏ khách lại để chở người gặp nạn đi cấp cứu. Về đến nhà áo quần dính đầy máu là chuyện bình thường như cơm bữa” - ông Nguyễn Văn Xuân (thành viên Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu) chia sẻ.

Tay không bắt trộm

Không chỉ là những người xe ôm tốt tính, 34 con người trong Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu còn giúp nhiều người tìm lại tài sản bị mất cắp, bị cướp giật. Trong 2 năm trở lại đây, những thành viên trong Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu đã tìm và trả lại cho khách gần 20 túi xách, 7 điện thoại di động, 12 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng. Các anh cũng truy bắt 2 đối tượng đã trộm cắp hàng chục chiếc xe đạp trên địa bàn giao cho Công an huyện Thăng Bình xử lý.

Ông Nguyễn Văn Minh - Đội trưởng Đội xe ôm vận chuyển cấp cứu nhớ lại: “Tháng 5.2014, ông Lê Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Phúc (có trụ sở tại Gia Lai) đón xe từ Gia Lai về quê nhà Thăng Bình chăm lo hương khói, sửa phần mộ tổ tiên. Khi xe đến ngã tư Hà Lam, ông xuống để đón xe ôm về nhà. Tại đây, ông Thắng phát hiện mình bị mất ví tiền. Nhìn vẻ mặt hốt hoảng, lo lắng, anh em chúng tôi đến hỏi thăm sự việc. Khi nghe ông Thắng kể chuyện bị mất tiền, anh em liền phóng theo xe khách để kiểm tra”.

Đón xe khách dừng lại và xin kiểm tra nhưng vẫn không tìm được manh mối, Các anh nghi đối tượng lấy ví tiền ông Thắng là một phụ nữ tại Hà Lam, người đi chung chuyến xe và xuống cùng lúc với ông Thắng.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ nghi ngờ vậy thôi nhưng đến nhà thì gặp sự phản ứng khác thường của chủ nhà khiến chúng tôi biết mình đã nghi đúng. Chúng tôi kiên trì khuyên nhủ khá lâu và cuối cùng người phụ nữ đã nhận lỗi, đồng ý giao trả lại ví tiền cho ông Thắng, trong đó có 12 triệu đồng. Anh em nhận được lời cảm ơn từ vị khách phương xa mà thấy trong lòng cũng vui vui”- ông Minh kể.

Trước đó, cuối năm 2013, tại ngã tư Hà Lam, các anh phát hiện một thanh niên đang có ý định trộm cắp xe đạp. Các anh đến gặng hỏi thì đối tượng bỏ chạy. Ông Minh huy động anh em xe ôm đuổi theo. Đối tượng rồ ga lạng lách hòng tìm cách trốn thoát trước sự truy đuổi quyết liệt của anh em xe ôm. Đến gần Trường THPT Tiểu La đối tượng bị các anh tóm gọn và giao cho Công an thị trấn Hà Lam xác minh, làm rõ. Tại cơ quan điều tra, thanh niên này đã khai nhận trộm hơn 10 chiếc xe đạp của người dân địa phương và học sinh.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho biết: “Những năm qua, Đội xe ôm tự quản và vận chuyển cấp cứu hoạt động rất tốt. Góp phần tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các anh cũng cứu được nhiều người gặp hoạn nạn trên đường. Tôi nghĩ mỗi vùng có một đội như vậy thì cả nước sẽ có những cung đường an toàn, an ninh đảm bảo”.

Đối với những vụ trộm cắp, đánh nhau xảy ra trên địa bàn, 34 thành viên của đội xe ôm vận chuyển cấp cứu không ngần ngại truy đuổi, giữ người và tang vật để giao công an xử lý. Nhận thấy vụ việc phức tạp, nguy hiểm hoặc có đông đối tượng gây rối, những người lái xe ôm theo dõi để cung cấp thông tin và trình báo cho công an.