Dân Việt

Vay vốn lập tổ hợp tác

25/05/2011 17:29 GMT+7
(Dân Việt) - “Các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH ở Tây Ninh không chỉ phục vụ công tác giảm nghèo mà còn góp phần xây dựng kinh tế hợp tác của ND”, ông Trương Hồng Đức- Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Xã Tân Thành cách trung tâm huyện Tân Châu gần 20 cây số, nhưng đến đầu năm 2011 vẫn còn 348 hộ nghèo và cận nghèo. “Hầu hết các hộ nghèo đều từ nơi khác mới đến lập nghiệp, không hoặc có rất ít đất sản xuất, nhà ở thì tạm bợ”, ông Bùi Văn Nhẫn - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Giảm nghèo xã Tân Thành cho biết.

Xóa nghèo bền vững

img

Gia đình chị Phạm Thị Mun đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Để phục vụ công tác giảm nghèo bền vững, Tân Thành huy động nhiều nguồn lực, trong đó vốn của Ngân hàng CSXH. Theo ông Nhẫn, đến 31.4.2011, dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH ở Tân Thành là 8,050 tỷ đồng, trong đó một nửa số vốn cho 294 hộ nghèo ở 26 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) vay.

Tân Hòa là ấp vùng sâu xã Tân Thành, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao. Là 1 trong 3 tổ TK&VV do Chi hội Nông dân ấp Tân Hòa thành lập, năm 2008 tổ TK&VV do ông Nguyễn Nhật Tiếp làm tổ trưởng ra đời. Hiện tổ này có 49 hộ, trong đó 38 hộ nghèo tham gia.

Gia đình chị Phạm Thị Mun chỉ có 2.000m2 đất trồng rau màu, mỗi tháng thu chừng 1 triệu đồng nuôi 5 khẩu ăn, chồng chị lại bị tai biến nằm liệt một chỗ. Năm 2009, được ngân hàng cho vay 30 triệu đồng, chị Mun mua 20 con dê về nuôi và mua một máy cày nhỏ để cậu con trai lớn làm đất, chở mướn...

Đứng bên chiếc máy cày gắn rơ-mooc chở hàng, chị Mun xúc động: “Nếu không vào tổ TK&VV làm sao năm nay tôi ra khỏi danh sách hộ nghèo”. Tổ trưởng Nguyễn Nhật Tiếp thông tin, cuối năm 2011 sẽ có thêm 9 hộ trong tổ xin ra khỏi hộ nghèo.

Các hộ hội viên Nguyễn Hữu Tuấn, Huỳnh Thị Thắm, Huỳnh Thị Thanh ở tổ TK&VV của ông Trần Văn Mạnh đều không có đất sản xuất, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo đã đăng ký cuối năm 2011 thoát nghèo...

Phát triển kinh tế hợp tác

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, mỗi năm có 10% hộ trong diện nghèo thoát nghèo. Về cơ bản rất ít trường hợp tái nghèo.

Tận dụng lợi thế nằm bên hồ Dầu Tiếng, năm 2009, Hội ND xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu làm nòng cốt xây dựng mô hình tổ hợp tác (THT) nuôi ba ba ở ấp Phước An. Từ 8 hộ thành viên đầu tiên nuôi trên diện tích 10 ao với số lượng 18.000 con giống ba ba, đến năm 2011, THT đã thu hút 31 thành viên, nuôi 53 hầm, số lượng con giống tăng hơn 3 lần. Mỗi năm THT cung cấp cho thị trường gần 90 tấn thịt ba ba thương phẩm trị giá gần 30 tỷ đồng (thời điểm cuối tháng 5.2011).

Theo bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phước Ninh, ngoài chuyển giao KHKT, dạy nghề nuôi ba ba, Hội đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thành lập tổ TK&VV đề nghị Ngân hàng CSXH cho 18 hộ vay 200 triệu đồng để nuôi ba ba. Ông Trần Văn Tư - thành viên tổ TK&VV cho biết: “Được Ngân hàng cho vay 15 triệu đồng mua thức ăn cho ba ba nên tôi không phải vay ngoài lãi suất cao gấp 9-10 lần”.

Không chỉ các hộ nuôi ba ba mà các hộ làm nghề xe nhang ở ấp Phước An cũng tham gia sinh hoạt tổ TK&VV. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - tổ trưởng tổ TK&VV ấp Phước An cho hay, đến 31.4.2011, 41 hộ đã vay 371,6 triệu đồng thực hiện 4 chương trình, trong đó vốn giải quyết việc làm cao nhất.

Sau khi xóa nghèo bền vững, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ vốn cho ND làm giàu” – ông Trương Hồng Đức, chia sẻ.