Sự xuống cấp đạo đức xã hội hôm nay đang là một vấn nạn khiến không ít người bi quan. Bình tĩnh khảo sát kỹ lưỡng thực trạng nêu trên, chúng ta thấy điều ấy dù có thể tệ hại, nhưng vẫn chỉ là phần nổi trên giá trị đạo đức. Phần cứng, phần cốt lõi là "cái tình" của người Việt Nam vẫn không hề bị lay chuyển. Trong thầm lặng, biết bao người vẫn nhẫn nại, giữ gìn khối tình này như giữ lửa.
Việc cả nước rưng rưng tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa Thu năm 2013 là điểm cộng hưởng bất ngờ của "tình người Việt" trước anh linh một vị tướng đã khiến toàn thế giới nể phục. "Cái tình" này cũng rất tương đồng với lòng yêu nước, nhưng cùng chiều. Tình càng nhiều bao nhiêu, lòng yêu nước càng nhiều bấy nhiêu. Mùa hè 2014, khi đứng hát "vo" ca khúc Hoàng Sa của mình (phổ thơ Nguyễn Hoa) trước hàng nghìn ngư dân ở Tam Quan Bắc chuẩn bị ra khơi tới vùng biển đảo Hoàng Sa, tôi đã không cầm nước mắt trước một khối kết đoàn rắn chắc, quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của những ngư dân Việt và tôi hiểu rất rõ tác động lớn lao của văn học nghệ thuật đến tâm hồn, tình cảm con người, trong đó có âm nhạc- một hình thức nghệ thuật âm thanh tác động thẳng vào trái tim con người.
Sự lợi hại ấy đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam, là một vũ khí hữu hiệu trước những thử thách của dân tộc. "Cái tình" của người Việt là một tham số đặc biệt vượt ra khỏi biên giới của "cái lý", để cộng sinh trong câu "có lý, có tình", để biết "chín bỏ làm mười". Nó đặc biệt vì ngoài những cái tình thông thường, "cái tình" của người Việt còn dung chứa cả "cái tình đồng đội" được hun đúc qua liên tiếp các cuộc chiến tranh. Nó đã lung linh trong quá khứ. Nó vẫn tiếp tục lấp lánh trong hôm nay và đã được văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc coi như một nguồn năng lượng bất tận để phản ánh, chia sẻ, để chiến đấu, dọi vào nhau, nâng đỡ nhau lên trước mọi bất an.
Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới là công nhận những giá trị cũ - những giá trị đã thành cổ điển trong văn học nghệ thuật. Bên cạnh việc nhìn lại Thơ Mới, văn chương Tự lực Văn Đoàn, là việc trình diễn lại những tình khúc thời kỳ đầu Tân Nhạc -những tình khúc chứa chan tình người Việt ở "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thời mở cửa lại đặt chúng ta đối diện với dòng nhạc "Hải ngoại" tràn ngập. Âm nhạc Việt Nam lại phải nỗ lực trước một thử thách mới. Qua nhiều năm, những giai điệu chan chứa tình người của các nhạc sĩ trong nước như Trần Tiến, Thanh Tùng, Dương Thụ, Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Từ Huy... đã cho thấy sức mạnh của âm nhạc đích thực, đã lan truyền sâu rộng ra cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Người thưởng thức không còn thấy lạ lẫm khi có thí sinh tham gia Giải Sao Mai ở khối cộng đồng người Việt tại châu Âu đã hát say sưa Dệt tầm gai của Ngọc Đại (thơ Vi Thùy Linh).
Từ nền tảng đó, các nhạc sĩ trẻ thế hệ sau đã vững tin, thỏa sức trong sáng tạo những giai điệu chan chứa tình người như Ngọc Châu vớiThì thầm mùa xuân, Chiều xuân, Mùa thu vàng, Cô Tấm ngày nay...Quốc Bảo với Em về tinh khôi và hàng loạt những tình khúc khác... Rồi đến thế hệ các nhạc sĩ sinh từ 1975 như Lê Minh Sơn với Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt, À í a...
Giáng Son với Giấc mơ trưa, Cỏ và mưa... Đỗ Bảo với Những mùa đông yêu dấuvà Các bức thư tình, Võ Thiện Thanh với Chuông gió, Xích lô, Việt Anh với Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Mưa phi trường...
Và biết bao nhạc sĩ khác đang đóng góp những giai điệu trẻ trung cho dòng nhạc thịnh hành.
Song, sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh những giai điệu chan chứa tình người mang giá trị giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, thời mở cửa và đổi mới cũng làm cho nhiều bạn trẻ mắc bệnh "thích nổi tiếng", bệnh "siêu nhân". Để đạt được điều này, nhiều người đã không từ bất cứ hành động gì, kể cả "đạo nhạc", tự đánh mất mình. Điều đáng báo động là sự mất đạo đức trong nghề nghiệp như thế đã xảy ra ở cả những tỉnh xa trung tâm. Câu chuyện "đạo nhạc" của tác giả trẻ Sơn Tùng với ca khúc trong một bộ phim và tác giả Trịnh Minh Sơn ở Nhà hát chèo Hưng Yên vừa qua đã cho thấy, cần có những biện pháp răn đe hữu hiệu nhằm ngăn chặn các hành vi tương tự.
Cũng do sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng mà một số tác giả trẻ đã ngang nhiên "dung tục hóa" những sáng tác âm nhạc một cách thấp kém. Các cụ xưa nói: "Đố tục mà giảng thanh". Đằng này lại khoái trá hát lên một cách tục tĩu bằng sự núp sau cái gọi là nhạc Rap như trường hợp ca khúc Phiếu bé ngoan lan tràn trên mạng, là một vết bẩn vấy lên toàn bộ tiến trình phát triển âm nhạc nước nhà.
Ngẫm như thế để thấy cân bằng một cách nhìn tổng thể. Không quá bi quan, nhưng cũng rất cần cảnh giác.
Có như thế, mới thúc đẩy được những sáng tạo đích thực, góp phần duy trì, phát triển, đốt lửa cho cái tình người Việt trong giai điệu Việt, góp phần xây dựng, chấn hưng đạo đức hôm nay, để như nhạc sĩ Văn Cao từng mơ ước: Riêng những câu thơ còn xanh/Riêng những bài hát còn xanh/Và đôi mắt em như hai giếng nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha