Trong thời gian đó, hàng mấy chục bài báo và tin đã được viết và được công bố, nhiều dự đoán của nhà khoa học và những người có thẩm quyền ở một số cơ quan chức năng được phát ngôn. Theo những phát ngôn và dự báo đó, con “mãnh thú” lúc thì hiện hình thành con gấu ngựa, gấu chó, lúc thì là con hổ hay con báo, lúc thì chỉ mang “nick name” là “mãnh thú” mà không rõ là con thú gì.
Hành tung của con “mãnh thú” này cũng rất bí hiểm, lúc thì nghe đồn nó đã xé xác hàng chục con chó nhà, lúc thì nó lang thang trên bãi cát trong đêm trăng và gào rú, khi lại ẩn kín trong các lùm bụi lúc tối trời.
Các bài báo cũng thay đổi liên tục sau mỗi lần có những “thông tin mới” về con mãnh thú. Đúng là khá hấp dẫn, nhưng những thông tin ấy gây hoang mang, thậm chí gây lo sợ không ít cho người dân ở trong “vùng phủ sóng” của con “mãnh thú”.
Ngay từ đầu, đã có một số người hoài nghi cho đây là “sản phẩm của truyền thông”, nhưng khi đã có cả nhà khoa học vào cuộc với dự đoán chắc như đinh đóng cột: “Nếu con thú có khoang trắng (hay dây xích trắng) trên cổ, thì đích thị là con gấu ngựa. Nếu không, nó phải là con gấu chó” thì không ai dám hoài nghi nữa. Nhưng tin đó là con “mãnh thú bí ẩn” thì người ta cũng không dám, đành bán tin bán nghi.
Có lẽ giới truyền thông cũng nên rút kinh nghiệm về liều lượng đưa tin bài khi có những “sự kiện” kiểu như thế này, vì đây không hẳn là những thông tin mang tính giải trí, càng không phải những thông tin mang tính chính thống được phổ biến đến mọi người. Cũng không phải là sự kiện mang tính “khoa học” dù có dự đoán của nhà khoa học. Vì đây gần giống như “chuyện ma”, không ai thực sự thấy nhưng ai cũng có thể tưởng tượng thêm giấm thêm ớt vào, và cuối cùng thì… sợ, một nỗi sợ có hại cho sức khỏe và sự bình yên của xã hội.
Thanh Thảo