Dân Việt

Lý giải hiện tượng “người chết sống lại”

Đời sống & Pháp luật 16/03/2015 19:00 GMT+7
Ở Ba Lan vào năm 2014, một cụ bà 91 tuổi đã gây sốc cho gia đình và công chúng khi đột nhiên tỉnh dậy trong một nhà xác, sau khi được tuyên bố đã chết.

Theo BBC, mặc dù đã nằm 11 giờ trong kho lạnh, Janina Kolkiewicz vẫn còn sống. Nhân viên nhà xác đã sửng sốt khi phát hiện ra chuyển động trong túi đựng thi thể.

 

Vào tháng Giêng năm 2014, một người đàn ông Kenya 24 tuổi, Paul Mutora, đã chết sau khi nuốt thuốc trừ sâu. 15 giờ sau đó, anh tỉnh dậy trong nhà xác, khiến các nhân viên ở đây “đứng hình” và sau đó bỏ chạy tán loạn.

img

Hiện tượng người chết sống lại gây tranh cãi trong giới khoa học. 

Trong tháng Ba năm đó, Walter Williams, một người đàn ông 78 tuổi, đã được phát hiện còn sống tại một nhà tang lễ ở Mississippi . Khi nhân viên chuẩn bị ướp lạnh cơ thể người chết thì ông này đã sống lại, tránh được số phận khủng khiếp của việc sử dụng các chất bảo quản xác chết. Các nhân viên ngay lập tức gọi xe cứu thương đưa ông tới bệnh viện.

Vậy làm thế nào mà điều đó lại xảy ra?

Trong trường hợp của Mutora, bà Carla Valentine - chuyên gia người Anh chuyên nghiên cứu về bệnh lý học cho rằng thuốc chống độc atropine mà Mutora được các nhân viên y tế cho uống đã kháng cự lại thuốc trừ sâu, khiến cho anh ta nhìn có vẻ như đã chết. Nó làm chậm nhịp tim khiến các bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhầm.

Với trường hợp ông Williams, bà Carla cho rằng sự nhầm lẫn này có thể do nhân viên điều tra những vụ chết bất thường có tên Dexter Howard, là người không có bằng cấp y khoa. Nhân viên này có thể có nhận thức nhất định về y tế nhưng không có kiến thức chuyên môn như đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp. Ở Mỹ, những người như ông Howard chỉ được đề cử chứ không có chứng chỉ hay được đào tạo pháp y.Còn ở Anh, nhân viên điều tra những vụ chết bất thường đều phải có bằng về pháp y hoặc luật, nhưng không có quyền tuyên bố bất kỳ một ai đã chết như tại Mỹ. Đó chính là lý do nhiệm vụ tuyên bố người đã chết chỉ dành những nhân viên y tế được đào tạo bài bản.

Ngay cả trong cộng đồng y tế nhiều cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề thế nào là chết thực sự bởi đây là sự kiện chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời. Có những lập luận đạo đức xung quanh cái chết của não - khi một người có thể trong thực tế đã chết nhưng các mô thì trong trạng thái còn sống.

“Khi trái tim, vì bất kỳ lý do gì, ngừng đập, các mô mà nó phục vụ bị ngừng cấp oxy và glucose và có thể tích tụ các chất thải độc hại. Điềunày dần giết chết các tế bào. Khi có đủ tế bào chết thì những cơ quan trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động. Và chỉ khi tất cả cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động mới có tuyên bố một người chết”, chuyên gia này nói.

Các tế bào của bộ não đặc biệt nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy và chúng thường sẽ bắt đầu chết trong khoảng 4-6 phút, trong khi tế bào da có thể vẫn còn sống trong vòng 24 giờ sau khi tim ngừng đập, mặc dù có lý thuyết cho rằng móng tay, móng chân và tóc tiếp tục mọc sau khi chết, bà Valentine. Tuy nhiên, khi thi thể người được giữ lạnh ở nhà xác trong khoảng thời gian này, cái lạnh sẽ làm giảm nhu cầu cần oxy và glucose của tế bào, nên chúng chỉ rơi vào tình trạng “ngủ đông”, chứ chưa chết, theo bà Valentine. 

Một lý giải khác nữa là một số người bị chứng bắt thế hay chứng giữ nguyên thế (tiếng Anh catalepsy) dễ bị tuyên bố nhầm là họ đã chết. Chứng bắt thế là một trạng thái rối loạn thần kinh dẫn đến cứng cơ và tư thế bất động bất kể kích thích từ bên ngoài, thở chậm và giảm cảm giác đau đớn. Chính vì lẽ đó, các nhân viên khám nghiệm tử thi có dùng những biện pháp kiểm tra đau đớn cỡ nào cũng không thể phát hiện người bị chứng bắt thế vẫn còn sống.

Cách lý giải này đã làm rõ hơn trường hợp người phụ nữ Ba Lan tỉnh dậy sau 11 giờ ở trạng thái ngủ đông mà thể chất không bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí bà còn thèm trà nóng và bánh kếp.

Có thể những trường hợp trên đã may mắn sống lại trong “giai đoạn đầu tiên” của cái chết, trước khi bị “chôn sống”, nữ chuyên gia cho biết.