Thi ĐH tại... sân nhà
Nghe tin ĐH Y Thái Bình sẽ chủ trì tổ chức cụm thi liên tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, em Nguyễn Thị Hương - học sinh Trường THPT Tiên Hưng (Đông Hưng, Thái Bình) rất vui mừng. Hương cho biết, năm nay em dự định thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội, thay bằng quãng đường cả trăm km đi thi như mọi năm, giờ em sẽ tự đạp xe sáng đi, tối về mà không cần phải bố mẹ đưa đón. “Nhà em cách thành phố hơn 10km, nhiều bạn trong lớp nghe tin cũng rất vui vì thi “sân nhà” mà vẫn có kết quả để xét vào ĐH, nhàn hơn rất nhiều” – Hương nói.
Không chỉ thí sinh, nhiều giáo viên cũng “thở phào” khi biết học sinh của mình sẽ được thi trên “sân nhà”. Thầy Nguyễn Văn Tình – giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết: “Thí sinh được thi ở tỉnh mình thì ngoài việc rút ngắn quãng đường đi thi, vấn đề tài chính, sức khỏe cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Do quãng đường đi thi không dài, chúng tôi đang dự kiến sẽ tổ chức xe đưa đón các em đi thi như thi cụm trước đây để đảm bảo an toàn và yên tâm cho học sinh, phụ huynh” – thầy Tình nói.
Gấp rút chuẩn bị cụm thi
Với số lượng thí sinh tăng lên nhiều lần, các ĐH vùng được nhận trọng trách chủ trì cụm thi năm nay sẽ tương đối vất vả trong công tác tổ chức.
Năm nay, tỉnh Thanh Hóa có gần 40.000 học sinh lớp 12, không kể thí sinh tự do, cộng thêm thí sinh tỉnh Ninh Bình cũng đến dự thi nên số lượng thí sinh đổ về cụm thi này sẽ rất lớn. Ông Nguyễn Mạnh An – Hiệu trường Trường ĐH Hồng Đức cho biết, dự kiến sẽ có trên 50.000 thí sinh ở cụm Thanh Hóa. Trường đang tập trung khảo sát điểm thi, cố gắng chọn các trường gần huyện lỵ để đảm bảo chỗ ăn, ngủ cho học sinh. “Phương án về lực lượng giám thị coi thi và chấm thi cũng được coi trọng, chủ yếu lực lượng sẽ là giảng viên ĐH Hồng Đức, giáo viên các trường THPT” – ông An cho biết.
Tại cụm thi Điện Biên, Sơn La, tuy là 2 tỉnh giáp nhau nhưng quãng đường đi đến địa điểm thi của thí sinh không hề ngắn do địa hình đồi núi cách trở. Ông Đinh Thanh Tâm – Hiệu phó ĐH Tây Bắc cho biết, trước khi có quyết định cụm thi, trường này cũng đã dự trù và đi khảo sát các cơ sở có thể được dùng làm địa điểm thi. Điểm lo lắng nhất là địa bàn Sơn La không đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho lượng thí sinh của 2 tỉnh đổ về. “Chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi ở địa bàn đặc thù này, nhưng trường sẽ cố gắng phối hợp với ĐH Ngoại thương tìm các hướng để khắc phục” – ông Tâm nói.
Mọi năm, cao điểm nhất ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cũng chỉ có 10.000 thí sinh dự thi nhưng năm nay phải tổ chức cụm thi cho 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu nên dự kiến thí sinh ở cụm thi này sẽ lên tới 30.000 thí sinh. Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương - ông Cao Văn cho biết, trường sẽ phải huy động cả đội ngũ sinh viên năm cuối, giáo viên phổ thông vào công tác coi thi.