Dân Việt

Lạc quan trong thận trọng!

Nhóm Phóng viên Hội & Tam Nông 17/03/2015 13:00 GMT+7
LTS: Gần đây, dư luận nóng lên với thông tin xung quanh việc phát triển cây “nữ hoàng” mắc ca. Có ý kiến cho rằng, đây là cây “tỷ đô”, có thể giúp nông dân làm giàu, sớm đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải hết sức thận trọng khi phát triển nhanh loài cây này, bởi chúng ta đã có nhiều bài học từ phát triển nhanh cao su, mía đường, bò sữa... Sự thật về giống cây này thế nào?

Nhiều ý kiến ủng hộ mở rộng canh tác cây mắc ca và cho rằng, đây là cơ hội vàng để “giảm nghèo và làm giàu”. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến nhắc nhở cần có nhìn nhận bình tĩnh để hiểu đúng về cây “tỷ đô”, lạc quan nhưng với sự thận trọng để tìm ra hướng phát triển bền vững...

Kỳ vọng về cây “tỷ đô”

Hiện nay thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia của cả nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất nhập khẩu; còn các nhà đầu tư, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển cây này ở khu vực Tây Nguyên.

img

Cách đây 4 năm, ông Trương Đình Hưởng (thôn 4, xã Đăk Búp So, Tuy Đức) đưa cây mắc ca về trồng xen trong rẫy cà phê và tiêu của mình.     

Mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên với tổng diện tích trên 2.000ha. Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch vùng trồng mắc ca 200.000ha ở Tây Nguyên và 30.000ha ở Tây Bắc. Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.

“Đây là loại cây mang tham vọng làm giàu cho nông dân. Mắc ca đã khẳng định được vị thế của mình trong các loại hạt khô, là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều, thị trường tiêu thụ rộng lớn” - tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây ghi nhận như vậy về khả năng của loại cây này.

Đánh giá về lợi thế của cây mắc ca, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng: “1ha cà phê trung bình thu được 3,8 tấn/năm, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg thì thu 155 triệu đồng. Trong khi đó, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 5 tấn, với giá chỉ cần 120.000 đồng/kg đã thu được trên dưới 600 triệu đồng. Mắc ca cho doanh thu lớn hơn, trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc thấp hơn trồng cà phê”.

Trong những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã âm thầm đầu tư vào cây mắc ca. Trong đó phải kể tới là Vinamaca với các thành công bước đầu khá vững chắc trong lĩnh vực giống cây và phát triển canh tác tại Tây Nguyên. Tại Điện Biên, Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT) cũng đang tiến hành triển khai dự án trồng cây mắc ca trên diện tích 4.000ha. Ngân hàng Lienviet Postbank mới đây đã công bố đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắc ca. Cùng với Tập đoàn Him Lam, ngân hàng này đang hoàn thiện quy trình cho vay trồng mắc ca vào tháng 4.2015 và dự kiến đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy chế biến mắc ca trong năm nay tại Việt Nam.

Cảnh báo thận trọng

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến “cây tỷ đô”, với cả hai chiều ủng hộ mạnh mẽ và cả chiều cảnh báo thận trọng, thậm chí có ý kiến phản biện có phần gay gắt. Lo lắng vì đang có sự kỳ vọng quá lớn vào cây trồng này, GS-TS Lê Đình Khả - người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với cây trồng mắc ca khuyến cáo: “Cơn sốt” mắc ca sẽ khiến cho nông dân trồng ồ ạt tự phát, nhiều đối tượng tung hô mở rộng trồng mắc ca nhằm mục đích bán giống. Nếu không có cách làm bài bản, không quản lý được chất lược nguồn giống thì người dân sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề. Tôi cho rằng chúng ta cần có bước đi thận trọng trong việc mở rộng vùng trồng mắc ca, nhằm hướng đến phát triển mắc ca một cách bền vững và mang lại lợi ích lâu dài”.

GS Đinh Xuân Bá - Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng SECOIN lên tiếng ủng hộ chủ trương chiến lược phát triển cây mắc ca nhằm đưa nông dân Tây Nguyên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên theo phân tích của GS Đinh Xuân Bá, có nhiều số liệu viện dẫn tại các diễn đàn mắc ca gần đây thiếu chuẩn xác và cần đưa ra một quyết định trên hệ thống phân tích số liệu tin cậy, toàn diện hơn. Ông lưu ý: “Nếu làm không nghiêm cẩn và chuyên nghiệp thì chính người dân Tây Nguyên sẽ phải gánh chịu rủi ro và khi đó thì hậu quả sẽ rất khó lường đối với một địa bàn quan trọng của đất nước. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp khuyến khích trồng mắc ca thì nên chăng ngay từ bây giờ cần có các chính sách và biện pháp phòng ngừa rủi ro, ví dụ lập ra các cơ chế “bảo hiểm tương hỗ”, ở đó Nhà nước sẽ cùng gánh chịu rủi ro với nông dân nếu có”.

Để phát triển bền vững vùng trồng mắc ca, theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT): “Chúng ta cần xây dựng ngay chiến lược toàn diện để phát triển cây mắc ca, bắt đầu bằng việc quy hoạch vùng trồng. Chúng ta phải xác định đây là một trong những cây trồng chính của ngành nông nghiệp. Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, thăm dò thị trường và xây dựng chuỗi trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ là rất quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, xác lập được kênh thị trường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mắc ca, tránh tình trạng trồng ồ ạt nhưng đầu ra không tiêu thụ được”.


Cả thế giới mới có 80.000ha

Theo thống kê, diện tích cây mắc ca trên thế giới tính đến năm 2013 mới có khoảng 80.000ha, trong đó 2 nước trồng nhiều nhất là Australia và Nam Phi- mỗi nước 17.000ha. Tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đến năm 2012 là 140.000 tấn hạt. Vì thế, có nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam trồng được 200.000ha cây  mắc ca chỉ là con số ảo tưởng?

TS Lê Ngọc Báu – Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Làm rõ về thị trường


Công tác quy hoạch vùng trồng cần phải được thực hiện sớm và chặt chẽ để tránh những tổn thất không đáng có cho người dân. Ngoài ra, việc phổ biến chính xác về thông tin thị trường và thông tin kỹ thuật cho người dân cần được triển khai sớm và thường xuyên. Cây mắc ca là cây trồng lâu năm, đầu tư ban đầu cao, do vậy người dân cần biết rõ được khu vực nào có thể trồng được, cần có những cân nhắc và nhận định thông tin một cách xác thực trước khi quyết định đầu tư, tránh sa vào giá trị ảo. Không nên phát triển mắc ca một cách tự phát, ồ ạt.

GS Hoàng Hòe - chuyên gia nghiên cứu về cây mắc ca: Cấp giống tốt cho dân

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng cây mắc ca dễ trồng hơn tất cả những cây khác. Thậm chí, tôi cho rằng khả năng phát triển cây mắc ca của Việt Nam còn cao hơn ở Trung Quốc, cao hơn ở Thái Lan, cao hơn ở Australia. Hiện nay Australia có 20.000ha, Việt Nam có thể phát triển tới  200.000ha. Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào mà thôi. Tôi nói một chút về kinh nghiệm của Trung Quốc và thấy mình có thể tham khảo họ. Như ở tỉnh Vân Nam, họ hỗ trợ dân một khoản tiền khá lớn để trồng mắc ca; rồi họ tạo ra các vườn mắc ca mẫu do doanh nghiệp làm. Làm xong vườn mẫu sẽ thị phạm cho nông dân tham quan học hỏi cách trồng, chăm sóc như thế nào...

Ông Quách Đại Ninh - Vụ phó Vụ phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp: Chưa vội nói hiệu quả

 Tại thời điểm này, để đánh giá về hiệu quả của cây mắc ca tại Việt Nam có lẽ là hơi sớm. Sớm ở chỗ: Giá của mắc ca trên thị trường Việt Nam hiện nay cao hơn so với ở Australia và giá trị đấy chưa phải là giá trị thực. Tuy nhiên, nó vẫn là cây có giá trị kinh tế cao so với các cây lâm nghiệp khác và nếu phát triển cây mắc ca thì nó có giá trị kinh tế cao. Cá nhân tôi rất ủng hộ phát triển cây mắc ca và xin nói thêm là nghiên cứu khảo nghiệm chỉ triển khai được ở một số mô hình thôi, ở một số điểm với diện tích rất hạn chế, nên không thể kết luận cho cả một vùng rộng lớn. Trước mắt, các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên phải có một quy hoạch cụ thể để định hướng phát triển mắc ca cho tỉnh mình.
Nhóm PV (ghi)