Dân Việt

Nhìn lại liên hoan sân khấu các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Vì cuộc đời không thể thiếu niềm tin!

Lê Tâm 14/09/2013 10:19 GMT+7
Hà Nội những ngày đầu tháng 9 này thật là khác biệt. Có một cuộc sống khác qua những tác phẩm từ liên hoan sân khấu các vở diễn của Lưu Quang Vũ. Một cuộc sống khiến người ta phải day dứt, trăn trở, băn khoăn...
Không có niềm tin, không còn lẽ sống

Sức hút của kịch Lưu Quang Vũ là có thật, nó đã được khẳng định từ ngay hôm khai mạc liên hoan, dù trước đó NSND Lê Tiến Thọ - Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ còn đôi chút lo lắng mơ hồ. Ông từng tâm sự với nhiều nhà báo trước thời điểm liên hoan diễn ra: “Tôi hơi lo một chút về khán giả, hơn một nửa số lượng vở diễn diễn ra vào các buổi sáng, chẳng biết mọi người có thu xếp thời gian để đến xem được không”.

Khán giả chật cứng rạp Đại Nam xem vở “Điều không thể mất” tối 11.9.
Khán giả chật cứng rạp Đại Nam xem vở “Điều không thể mất” tối 11.9.

Thế nhưng thực tế đã cho thấy Ban tổ chức hơi thiếu tự tin: Khán giả ồ ạt đến, các suất diễn ban ngày ở rạp Tuổi Trẻ, Công Nhân, Đại Nam đều đông nghịt người, khi đèn sân khấu đã tắt, màn 1 đã bắt đầu thì đâu đó trong các góc tối của khán phòng, vẫn còn tiếng lao xao vì không đủ chỗ. Ôi cái tình yêu kịch Lưu Quang Vũ của người Hà Nội, chưa bao giờ mất cả, nó chỉ ẩn tạm vào đâu đó một thời gian, có dịp là lại bùng lên như một thứ hương nồng!

Mỗi một câu thoại của các nhân vật đều khiến khán giả cười, xôn xao, vỗ tay, hoặc chìm lặng đi. Sau một một lần chuyển cảnh, đèn tắt là những tràng pháo tay, là những lời tâm đắc đổi trao: “Lưu Quang Vũ đúng là Lưu Quang Vũ”, “Trời ơi, đã bao nhiêu năm qua, mà chuyện vẫn đang như ngày hôm nay, người đâu mà tài hoa thế”...

Vì xem kịch Lưu Quang Vũ, giống như khán giả được chạm đúng mạch ngầm, để suy nghĩ về lương tâm, niềm tin, sự thật, trung thực, chân lý… những khái niệm mà từ hồi nào đến giờ tưởng ở tận đâu đâu, thì nay đang hiện về trước mắt, đang sống động, tươi mới và trong lành, đúng như nó đáng được trân trọng thế. Chỉ có kịch của Lưu Quang Vũ mới làm bật được điều đó, chỉ có ông mới buộc người ta phải suy nghĩ, phải trăn trở cùng mình một câu hỏi muôn đời: “Làm sao tất cả chúng ta đều phải sống “người” hơn”.

Có lẽ nhiều khán giả đã giống như tôi, cảm thấy run rẩy đến tận cùng tri giác khi cảm nhận được sự đồng điệu của tinh thần thượng tôn lẽ phải, sự trung thực, và cùng với Lưu Quang Vũ thiết tha tin vào con người. Như lời thoại của một nhân vật trong vở “Hai ngàn ngày oan trái” của Đoàn Cải lương Hải Phòng: “Không có niềm tin, không còn lẽ sống”. Hai chữ “niềm tin” gửi gắm vào thiên lương của con người, tin vào sự trong trắng của trái tim đã được Lưu Quang Vũ đẩy lên cao đến cực độ, khiến cho khán giả tìm được ngay sự đồng điệu với ông - cho dù Vũ đã ra đi một phần tư thế kỷ.

Xem kịch Lưu Quang Vũ, thấy người tốt thời nào cũng khổ, cũng chạy xất bất xang bang vì những nỗi oan trái, đọa đầy của phận “con sâu cái kiến”. Nhưng cũng giống như lẽ phải, họ bao giờ cũng là phe chiến thắng, là những người ngẩng cao đầu, đạp lên trên những bất công, đê hèn, bẩn thỉu, nên vì thế đã mang cho khán giả bao nhiêu niềm tin.

“Chúng em nhớ anh!”


Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh dàn diễn viên có trẻ có già của Nhà hát Tuổi Trẻ, ở màn kết của vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”, đã sát cánh bên nhau, ngước mắt lên cao, đặt tay lên trái tim mình và đồng thanh cất tiếng: “Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh!”. Phút giây ấy, cả khán giả yêu kịch của ông, cả bao nhiêu lớp diễn viên đã trưởng thành từ kịch ông, đều đã thấy Lưu Quang Vũ trở về như ông chưa từng vắng bóng. Quên làm sao được một con người như thế, một người luôn đau với đời và thương cho người, một người lúc nào cũng chỉ mong cuộc sống này luôn tốt đẹp hơn, con người với nhau sẽ tử tế hơn, ấm áp hơn.

Lễ trao giải cho các nghệ sĩ, vở diễn tham gia “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ” sẽ được tổ chức vào sáng 19.9 tại Hà Nội. Cũng trong sáng 19.9, Hội Nghệ sĩ sân khấu sẽ tổ chức lễ giỗ tổ nghề sân khấu.

Giống như tiếng thầy giáo Hiển vang vọng trong loa phát thanh chạy khắp thành phố: “Châu ơi, em ở đâu, hãy trở về, đừng mất lòng tin ở mọi người”. Giống như những trăn trở của cô giáo dạy văn của Châu: “Thành phố này chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu, quả địa cầu cũng chỉ là một chấm nhỏ trong dải ngân hà và chúng ta chỉ là những chấm nhỏ trong thành phố ấy. Vậy những nỗ lực của chúng ta liệu có mang đến kết quả gì không?” Và câu trả lời của “Mùa hạ cuối cùng” đã được tìm ra: “Mỗi chúng ta đều phải cố gắng, để lẽ phải, trung thực, chân lý và niềm tin luôn là giá trị thực”.

Những khán giả tóc bạc đã đội mưa đến với các điểm diễn của liên hoan, những vị trung niên chắc có lẽ phải nghỉ buổi làm để đến với sân khấu, những thế hệ đạo diễn, diễn viên một thời từng thao thức với kịch Lưu Quang Vũ đã gặp nhau trong khán phòng 12 buổi diễn để nhớ đến ông. NSND Phạm Thị Thành, nhà văn Chu Lai… những vị giám khảo đáng kính cuối buổi diễn nào ra cũng ngập tràn cảm xúc. Bà Thành dáng đi nghiêng nghiêng, không nén nổi sự xúc động trong mình, nắm lấy tay tôi và bảo: “Cô cảm động quá, vì đang được sống lại không khí của mấy chục năm về trước, lại thấy tình yêu sân khấu ngập tràn trong từng ánh mắt, trên từng khuôn mặt”.

Lưu Quang Vũ - chúng ta cùng nhớ ông!