Quần áo được phơi ra cả chỗ để xe của một khu trọ.
Sau cả tuần mưa phùn, thời tiết Hà Nội trong trạng thái nồm khiến đời sống sinh hoạt của người dân thủ đô gặp nhiều khó khăn, nhất là những sinh viên ở trọ - vốn có cơ sở vật chất ít được đảm bảo.
Nền nhà và các vật dụng trong nhà từ bát đĩa, xoong chảo đến máy vi tính... luôn trong tình trạng hấp hơi, ướt nước. Hơn nữa, quần áo giặt lâu khô hơn và ám mùi ẩm mốc.
Tại nhiều khu trọ, kí túc xá, quần áo giặt phơi lâu khô hơn khiến dây phơi luôn trong tình trạng quá tải. Thậm chí, cửa sổ và trong nhà đều giăng kín quần áo phơi khiến phòng trọ vốn nhỏ càng thêm bức bí, ẩm ướt.
Lắc đầu ngán ngẩm, Phạm Thương (lớp QLNN D9, Đại học Điện lực) bảo: “Mình sắp hết quần áo để mặc rồi, quần áo cả tuần chất đống mà không dám giặt, sợ giặt xong không khô lại hôi rình”.
Phan Quỳnh Nga (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Đợt mưa ẩm vừa rồi khiến phòng mình ám mùi ẩm mốc. Các đồ dùng trong nhà như bát đĩa, xoong nồi, đến quần áo, chăn màn... đểu có mùi hôi. Mình và cô bạn cùng phòng phải mang quần áo ra tiệm giặt để đảm bảo".
Ở trong ký túc xá, Huyền Trang (sinh viên năm 4, Đại học Công đoàn) cho biết, 8 người trong phòng chỉ có một khoảng cửa sổ nhỏ để phơi quần áo. Những hôm trời mưa, quần áo đem phơi rất dễ bị ướt thêm do nước mưa hắt vào nên chẳng ai dám giặt nhiều.
Thương phải làm khô quần áo bằng máy sấy tóc
Đối phó với thời tiết ẩm ướt, sinh viên tìm đủ mọi cách để chống ẩm, hong khô quần áo, lau dọn nhà cửa. Nhiều sinh viên chuyền nhau cách mẹo giặt quần áo nhanh khô như giặt với nước ấm, lấy quạt, máy sấy tóc, bàn là làm thay nhiệm vụ cho máy sấy. Tuy giải quyết được sự ám ảnh về ẩm mốc, Phạm Thương, Huyền Trang và nhiều sinh viên khác lại gặp nỗi lo về tiền điện, nhất là khi giá điện tăng.
Thời tiết mưa, ẩm ướt còn khiến sinh viên gặp không ít trở ngại việc đi học, đi làm thêm như quần áo ẩm ướt, dính bùn đất... Triệu Thu Hà (Học viện Báo chí – Tuyên truyền) ngán ngẩm: “Lúc đi đường mưa mấy chẳng sao, chỉ khi nào tắt máy xuống xe rồi cởi áo mưa mới thấy hết cái sự bẩn, từ tóc cho đến ngón chân”.
Những ngày mưa cũng là ác mộng với sinh viên có thị lực kém và phải đeo kính. Nguyễn Viết Đạt (Đại học Bách khoa) cho biết: “Mình thường xuyên phải đeo kính cận. Những ngày mưa như mấy hôm, kính mình luôn trong tình trạng hấp hơi, khiến tầm nhìn hạn chế.”
Bên cạnh đó, thời tiết ẩm ướt còn ảnh hưởng tới sức khỏe của sinh viên. Huyền Trang cho biết, dù ở ký túc xá ở rất gần trường, đi học chỉ mất 5 phút nhưng vẫn bị mưa ướt người dù đã che chắn cẩn thận bằng ô. Có buổi tối, cô đau đầu, sốt khiến cả phòng lo lắng.
Ngoài việc lên giảng đường Hà còn nhận việc chạy bàn cho một quán ăn nhỏ nằm trong ngõ 337, Cầu Giấy. Công việc của Hà không yêu cầu phải ở ngoài đường nhiều nhưng con đường từ nhà đến chỗ làm đã đủ trở thành nỗi ám ảnh lớn với cô bạn. Hà tâm sự: “Dù đã cố gắng đi thật chậm và cẩn thận nhưng lúc nào quần áo và giày dép của mình cũng dính đầy bùn đất, trông nhếch nhác không chịu được…”