Ngay ở phần trên của đoạn trích này tác giả Nguyễn Đình Thi đã dẫn chứng câu chuyện về Hai Bà Trưng. Rõ ràng hai bà và các nữ tướng của mình đều đã hi sinh vì thất trận nhưng lại được tác giả dân gian sáng tạo cho là "hóa" lên trời.
Còn ở đoạn trích về Thánh Gióng, sau khi đánh hết giặc, Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây rồi vào rừng chết. Đưa ra tưởng tượng như vậy là vì Nguyễn Đình Thi muốn minh chứng cho luận điểm về "sức sống của dân Việt Nam" được phản ánh trong ca dao và cổ tích.
Nguyễn Đình Thi cho rằng người Việt xưa khi nghĩ về các vấn đề của quá khứ thường có xu hướng muốn biến những kí ức đau thương, mất mát thành những điều vui vẻ hơn, đáng khích lệ hơn. Và ở trường hợp của câu chuyện Thánh Gióng cũng mang tính chất tương tự".
Ông Ân kết lại: "Nguyễn Đình Thi muốn chứng minh sự sáng tạo của tác giả dân gian trong việc tạo nên những cái kết đầy kiêu hãnh cho các bậc anh hùng trong cổ tích. Với ý tưởng đó, thật sự không có gì đáng phải bàn cãi về đoạn trích này cả".
Về bối cảnh của đoạn trích, theo phân tích của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: "Lúc đó Nguyễn Đình Thi mới 20 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội và tham gia phong trào cách mạng. Thời gian tham dự hội thảo thanh niên năm 1944 tại Hà Nội, ông đã nêu lên vấn đề về "Sức sống của người Việt Nam trong ca dao cổ tích" để trình bày một trong những quy luật mà theo ông đó là người Việt luôn muốn đổi sự thật đau thương thành những bức tranh vui vẻ hơn trong ca dao cổ tích.
Khi đăng lại vấn đề này trong tập "Mấy vấn đề văn học" năm 1956, Nguyễn Đình Thi có ghi rằng ông muốn giải thích lại vấn đề dân tộc thông qua tác phẩm của mình để đối phó lại luận điểm của đế quốc Nhật, lúc đó đang đóng tại Hà Nội và truyền bá thuyết "Đại Đông Á" của mình. Theo ông, khá đông những trí thức Việt Nam thời bấy giờ đã bị cuốn theo tư tưởng ấy để giải thích vấn đề dân tộc theo hướng khác đi".
Chuyên gia Lại Nguyên Ân cho biết thêm: "Những nhà văn, họa sĩ sáng tác truyện tranh Thánh Gióng sau này đều giữ nguyên cốt truyện cổ tích rằng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, sau đó thì người với ngựa đều bay về trời. Thường trong giới nghiên cứu về cổ tích hay những nhà văn bình luận người ta vẫn khen cái kết thúc đó bởi nó có tác động tích cực về mặt xã hội".
"Sự sáng tạo của tác giả dân gian trong truyền thuyết khi luôn giữ cho người anh hùng hình tượng đẹp đẽ nhất là rất đáng khen ngợi và Nguyễn Đình Thi đã trân trọng điều đó", ông Ân nói.
"Nếu chỉ để minh họa bài tập cho học sinh thì theo tôi có nhiều đoạn trích khác phù hợp hơn để tránh gây những cái hiểu phiến diện cho các em", nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ thêm trước vấn đề liệu rằng đoạn trích có phù hợp khi đưa vào sách lớp 5 hay không.