Dân Việt

Hiệu quả từ chi hội nghề nghiệp

26/05/2011 05:21 GMT+7
(Dân Việt) - Cùng nhau học nghề, cùng tổ chức các chi hội nghề nghiệp. Nhờ cách làm đó, đời sống của nhiều nông dân ở Hà Nam đã hoàn toàn thay đổi.

 Học nghề để cuộc sống tốt hơn

img

Chi hội Nghề may ở xã Phù Vân đang hoạt động hiệu quả.

Mô hình chi hội nghề nghiệp do Trung tâm Dạy nghề giới thiệu việc làm- Hội ND tỉnh Hà Nam xây dựng xuất phát từ thực tế nông dân mất đất nhưng không muốn đi “ly hương”. Ông Hoàng Ngọc Đại- Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Trước khi tổ chức dạy nghề cho lao động, chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập chi hội nghề nghiệp cho nghề chuẩn bị được đào tạo. Các chi hội do một hoặc nhiều nông dân trực tiếp đứng ra quản lý. Chi hội nghề nghiệp có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho những lao động đã qua đào tạo nghề”.

img Đối với những nghề nông nghiệp thì chi hội nghề nghiệp là nơi các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên các chi hội không có cơ hội tiếp cận với những loại sách báo mới phục vụ cho nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất... img

Ông Vũ Ngọc Thi - Chủ tịch Hội ND xã Phù Vân

Chị Nguyễn Thị Yến, Chi hội Nghề may công nghiệp xã Phù Vân (TX. Phủ Lý) phấn khởi nói: “Ruộng đất nhường cho khu công nghiệp, tôi đã tưởng mình thất nghiệp. Nhưng từ khi được học nghề và tạo công ăn việc làm cuộc sống của gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều”. Hiện chị Yến và những công nhân nơi đây cũng có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng.

Ông Hoàng Ngọc Đại cho hay, mô hình trên đã ra đời 2-3 năm nay. Cho đến thời điểm này, các chi hội nghề nghiệp vẫn cho thấy vai trò quan trọng của mình trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đem lại thu nhập ổn định. Chị Lại Thị Hiển, thôn 7, xã Phù Vân, hội viên Chi hội Nghề may công nghiệp xã Phù Vân chia sẻ: “Ở nhiều nơi, khi học nghề may công nghiệp người học thường phải vào các nhà máy làm việc. Thời gian nghỉ ngơi còn ít nói gì đến thời gian chăm sóc gia đình và làm việc nhà. Tham gia chi hội nghề nghiệp tôi vừa có việc làm, lại có thời gian chăm sóc gia đình mà thu nhập lại không kém gì khi làm ở các nhà máy”.

Cần đầu tư để nâng cao hiệu quả

Thiếu vốn không chỉ là tình trạng chung của các chi hội nghề phi nông nghiệp mà còn là một thách thức lớn đối với các chi hội nghề nông nghiệp.

Hiện tại, Trung tâm Dạy nghề, Hội ND tỉnh Hà Nam đã thành lập được 56 chi hội nghề nghiệp thu hút sự tham gia của 1.720 hội viên nông dân. Không chỉ giải quyết tốt vấn đề tạo việc làm thu nhập ổn định cho lao động nông thôn trên địa bàn xã, hoạt động hiệu quả các chi hội cũng như nhưng sự thành công trong nghề nghiệp của những lao động đang làm việc ở nơi đây đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động nông dân tham gia học nghề.

Tuy nhiên, dù có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, những chính sách hỗ trợ cho để các chi hội nghề nghiệp hoạt động còn rất hạn chế. Chẳng hạn như Chi hội May công nghiệp xã Phù Vân được thành lập từ tháng 9.2009 với gần 20 lao động trên địa bàn xã. Lao động vào chi hội, cái họ cần là được hỗ trợ vay vốn, được tạo việc làm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chi hội mới chỉ được vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ Phát triển kinh tế của Hội ND. Bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ nhiệm Chi hội Nghề may công nghiệp xã Phù Vân cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang cần khoảng 80 triệu đồng để mua sắm mới một số trang thiết bị. Nếu được vay số tiền nay ngoài việc tiếp tục tham gia đào tạo nghề cho lao nông thôn theo Đề án 1956, chi hội nghề nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu học nghề của rất nhiều nông dân khác”.