Khi bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng, chúng ta có đề cập đến việc luật hóa hành vi hối lộ tình dục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi khó phát hiện, kể cả từ bên cho lẫn bên nhận, thưa ông?
GS - TS Lê Hồng Hạnh – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
- Vấn đề này luật hóa được, việc quan trọng là phải xây dựng tiêu chí như thế nào. Ví dụ, có một cô gái đẹp đã tốt nghiệp đại học hoặc không tốt nghiệp đại học, đang làm việc ở một cơ quan nhà nước nào đó, vị trí mà người ta bổ nhiệm cô đòi hỏi trình độ cao hơn như thạc sĩ hoặc số năm công tác lâu hơn. Nhưng tại sao những người khác trong cơ quan đủ tiêu chuẩn không được mà cô này được.
Vậy là do quy trình thực hiện có vấn đề không minh bạch, nếu đằng sau đó không phải là vấn đề tiền bạc, quan hệ thì có thể liên quan tới chuyện tình dục (?!).
Trong trường hợp này, cũng như đối với hành vi hối lộ bằng vật chất là phải chứng minh sự minh bạch, trong sạch của nguồn gốc tài sản, trước tiên anh phải chứng minh việc bổ nhiệm cán bộ là đúng quy trình, minh bạch và hợp lý. Tôi khẳng định, dù khó nhưng ta hoàn toàn có thể xác định được có hay không hành vi hối lộ tình dục. Việc này thế giới vẫn làm.
Tuy nhiên, khi đã phát hiện được hành vi hối lộ tình dục thì lại vấp phải khó khăn khác là khó xác định, quy đổi về mặt giá trị vật chất để tính toán mức độ thiệt hại?
- Thực ra, hậu quả do hành vi hối lộ và nhận hối lộ tình dục giá trị gây ra không hề kém hành vi hối lộ bằng tài sản. Có những thông tin đa chiều, khác nhau khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ.
Ví dụ, tôi chỉ ví dụ thôi nhé, có cô người mẫu nào đó “khoe” trên mạng rằng người nào muốn rủ cô đi qua đêm thì phải ít nhất là 20.000USD cô mới chịu đi. Nếu một vị quan chức nào nhận quà “hối lộ tình dục” của ai đó bằng cô gái này thì đương nhiên vị đó đã được hưởng gần một khoản tiền tương đương 20.000USD.
Nói thế để thấy giá trị vật chất của “hối lộ tình dục” nhiều khi không hề nhỏ và cũng không quá khó để xác định. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Hối lộ tình dục cũng là một loại hối lộ và nó có thể làm tê liệt bộ máy của chúng ta. Hậu quả nó gây ra chẳng kém gì hậu quả của việc hối lộ bằng tài sản.
Chính vì thế, đã đấu tranh phòng chống tham nhũng thì phải đấu tranh toàn diện ở mọi khía cạnh mà thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua rất thấp (năm 2013 được hơn 10%, năm 2014 được hơn 22%). Theo ông chúng ta cần giải pháp đột phá nào để công tác này đạt hiệu quả cao hơn?
- Tôi cho rằng nếu cứ ngồi chờ bản án, chờ quyết định hành chính thì không làm được bao nhiêu. Bây giờ cần phải làm một cách đột phá, tức là trong một vụ việc sai phạm liên quan đến tham nhũng, chưa cần biết Tòa án xử anh thế nào trong tương lai, cơ quan xử lý kỷ luật anh thế nào trong tương lai, nhưng khi xác định được tài sản của anh là không minh bạch và anh không giải trình được thì phải tạm thu hồi khối tài sản bất hợp pháp trên.
Điểm đột phá chính là ở chỗ chúng ta không chờ vào các bản án, các quyết định hành chính. Thủ tục của tòa án, thủ tục hành chính vốn phức tạp, đơn cử chỉ kỷ luật buộc thôi việc một người nào đó đã phải trải qua bao nhiêu cuộc họp. Vấn đề thu hồi tài sản bất minh, có từ tham nhũng mà cũng làm như vậy thì sẽ rất chậm, hiệu quả không cao.
Xin cảm ơn ông!
“Cũng là dạng vật chất”
TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Hối lộ bằng tình dục cũng là hối lộ vật chất chứ không phải là tình cảm. Được nhận hối lộ tình dục thì đổi lại anh phải ban cho người ta cái gì, chức vị gì, theo kiểu "ông có chân giò, bà thò chai rượu”.
Ngọc Lương (ghi)
Một số vụ việcchấn động thế giới
Tháng 6.2013, tòa án Trung Quốc đã tuyên án tử hình treo đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản. Theo cáo trạng của tòa, Đinh Thư Miêu - 57 tuổi - có quan hệ phức tạp với Lưu Chí Quân. Từ một cô gái bán hàng rong, 40 tuổi, Đinh Thư Miêu gặp và trở thành người tình của Lưu Chí Quân. Báo chí Trung Quốc trích dẫn cáo trạng cho biết, dù nhan sắc không còn nhưng Đinh Thư Miêu vẫn muốn "cột chân" Lưu Chí Quân nên đã đưa các thiếu nữ trẻ đẹp tới phục vụ người tình. Đổi lại, Lưu đã giúp 23 doanh nghiệp do Đinh Thư Miêu "rỉ tai" trúng thầu hơn 50 dự án liên quan đến đường sắt.
Cựu nghị sĩ Emir Moeis thuộc Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P). Emir Moeis bị cáo buộc nhận 300.000USD từ Nhà máy điện Pháp Alstom để giúp hãng trúng thầu dự án xây nhà máy điện trị giá 212 triệu USD ở Lumpung năm 2004. Theo điều tra vào năm 2012 của Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (PKP), ông nghị này đã tham dự một buổi yến tiệc tại Paris và ở đó có màn biểu diễn "sung sướng" dành cho đàn ông.
Ông Ng Boon Gay - lãnh đạo Cục Phòng chống ma túy trung ương Singapore (CNB), bị tố cáo lạm dụng vị trí để quan hệ tình dục với nữ giám đốc một công ty công nghệ tên là Cecilia Sue Siew Nang. Thông tin cho biết, Ng Boon Gay đã lên giường với bà Sue rất nhiều lần. Bà Sue sẵn sàng trao thân để tìm cách ký được hợp đồng với CNB. Ông Ng Boon Gay sau đó đã bị cách chức.
Hạ Anh (tổng hợp)