Không có gì phải hoảng loạn
Thưa ông, mấy ngày qua trên dư luận xôn xao về đoạn trích Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây trong sách Hướng dẫn học Tiếng Việt cho trẻ lớp 5. Rất nhiều phụ huynh sau đó tỏ ý lo ngại và cho rằng đó là bóp méo truyền thuyết. Vậy quan điểm của ông như thế nào về sự việc này?
- Tôi xin được phân tích mấy lý do như sau: Thứ nhất, trích đoạn đó cần phải được đặt vào đúng hoàn cảnh của nó - bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong tác phẩm "Sức sống của người Việt trong ca dao cổ tích" được ông viết vào năm 1944.
Đó là thời kỳ thực dân Pháp và phát xít Nhật thời kỳ đang "ru ngủ" thanh niên Việt Nam và là khi nhà văn Nguyễn Đình Thi đang hoạt động trong phong trào văn hóa cứu quốc. Tác phẩm cũng là bài nói chuyện của Nguyễn Đình Thi với học sinh, sinh viên. Ông đã mượn ca dao cổ tích để khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khơi dậy sức sống của người Việt.
Thứ hai, trong đoạn trích đó nhà văn Nguyễn Đình Thi viết rõ "Tôi tưởng tượng... ". Khi tác giả nói tôi tưởng tượng thì bài viết đó hoàn toàn có thể chấp nhận được theo góc nhìn như vậy.
Thứ ba, truyện cổ tích, truyền thuyết, dân gian Việt Nam thường có nhiều dị bản. Vì sao tôi nói là nhiều dị bản, bởi truyện cổ tích là truyện truyền miệng và khi truyền miệng thì mỗi lần như vậy nhiều tình tiết của câu chuyện lại được thay đổi.
Tôi được biết câu chuyện Thánh Gióng có nhiều dị bản khác nhau. Bản trong sách giáo khoa là dị bản Thánh Gióng cởi áo giáp sắt, ngựa sắt và bay về trời là một dị bản được Bộ Giáo dục chọn và đưa vào chương trình dạy học.
Nhiều người quá quen thuộc với điều đó nên khi nghe thấy những chi tiết khác đi thì có vẻ hơi sốc. Nhưng thật sự đoạn trích có trong sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 và cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A là được đặt trong ngữ cảnh dạy học trò thay các đại từ khi dùng trong câu sao cho phong phú, chứ không phải dạy làm văn. Vì vậy tôi nghĩ không có gì là sai, không có gì phải hoảng loạn, hay cho rằng đang bóp méo nhân vật truyền thuyết ở đây.
Đời thường hóa nhân vật truyền thuyết sẽ mang hướng tích cực
Theo ông, việc đời thường hóa nhân vật truyền thuyết có ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam bấy lâu nay?
- Ồ không. Như tôi đã nói ở trên, phải đặt bài viết đó trong đúng văn cảnh bài viết, ví dụ như ở sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 và cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A. Trước khi dạy, giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu. Bản thân những người có trách nhiệm đưa trích đoạn này vào sách giáo khoa cũng cần giải thích cho giáo viên ở đó hiểu.
Họ phải giải thích để giáo viên hiểu phải nhận ra là nhà văn viết rất có ý tứ, rất chặt chẽ. Đoạn trích được đặt trong văn cảnh xã hội mà nó ra đời vì mỗi bài viết nó mang dấu ấn của một thời kỳ.
Ví dụ như truyện cổ tích Sơn Tinh và Thủy Tinh, việc vua Hùng thách cưới chỉ chọn toàn đỗ lễ vật trên miền núi, đất liền như: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao mà không phải là lễ vật vùng biển. Vì thời kỳ đó, văn minh lúa nước, núi đồi vẫn là thời kỳ thế mạnh của người nông dân Việt Nam mà không phải ra khơi, đánh bắt cá nên câu chuyện sẽ thiên về đất liền.
Nói như vậy, việc đời thường hóa nhận vật trong truyền thuyết có thể sẽ là sự khơi mào cho nhiều trường hợp khác? Và điều đó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực?
- Tôi nghĩ việc đời thường hóa nhân vật trong truyền thuyết sẽ mang hướng tích cực. Bởi thời kỳ này chúng ta nên có nhiều cách nhìn, cách truyền tải văn minh hiện đại vào trong truyện cổ tích hay truyền thuyết.
Vào thập niên 80, 90, rất nhiều nhà văn đã viết lại truyện cổ tích theo hướng đời thường gần gũi hơn, theo hướng nhân bản được kết hợp với sự sáng tạo của người đương thời. Ví dụ như nhà văn Tô Hoài đã từng viết lại sự tích quả dưa hấu – Mai An Tiêm, nhà văn Nguyễn huy Tưởng với Lá cờ thêu 6 chữ vàng…
Có những kết thúc có hậu, mang tính nhân bản hơn như chuyện cổ tích Tấm Cám hay chuyện về Châu Long… Ngay như nhà thơ Chế Lan Viên trước đây khi còn chiến tranh cũng đã từng ca ngợi tinh thần chiến đấu của chúng ta bằng câu thơ “ mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…”. Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, thì ông lại có suy nghĩ khác. Ông lại cho rằng, “ …ôi đất nước gì một đứa trẻ lên ba phải cầm roi đi đánh giặc…”
Ông có lo ngại, việc đời thường hóa nhân vật truyền thuyết khi trở thành trào lưu có dễ dẫn đến trường hợp bị lạm dụng hoặc bị bóp méo đi quá xa?
- Tôi đang nói đến sự sáng tạo. Còn lạm dụng để bóp méo đi quá xa so với cốt truyện thì không nên, không chấp nhận được. Tôi có vài người bạn vẫn thường nói đùa với nhau rằng truyện về sự tích đầu tiên của Việt Nam là đẻ ra trứng, trong khi sự tích ở nước ngoài lại đẻ ra con.
Nhiều truyền thuyết Việt Nam có kết cục là sự chia lìa, ví dụ như sự tích mẹ Âu Cơ đẻ 100 trứng với 50 con trai lên rừng, 50 con trai xuống biển hay Mỵ Châu Trọng Thủy phản bội cha...
Hiếm có cái kết nào đẹp nên tôi nghĩ, đó là lý do để bây giờ chúng ta có quyền nhìn ở góc độ đẹp hơn, góc độ khác đi.
Về khía cạnh văn học mà tưởng tượng như vậy, liệu có được không thưa ông?
- Tôi nghĩ hoàn toàn ổn. Bởi những câu chuyện tưởng tượng ấy các nhà văn viết nhiều, được đăng và nhận được phản hồi tốt từ bạn đọc. Giờ nhiều câu chuyện vẫn đang được khuyến khích sự sáng tạo đó, để khi nhìn cái nhìn ngược trở lại chúng ta sẽ thấy rằng à đây là cái nhìn nhân bản hơn ngày xưa.
Xin cảm ơn ông!