Ba yếu tố này đều có những sợi dây liên kết chặt chẽ với nhau và ngôi nhà sàn chính là một thế giới thu nhỏ gắn với mỗi cá nhân, gia đình.
Ở đó ý nghĩa nhân sinh, giá trị tôn giáo thể hiện qua từng đường nét kiến trúc. Tùy theo điều kiện của gia chủ mà nhà sàn được dựng to hay nhỏ, cầu kỳ hay giản đơn, nhưng có một quy tắc tối quan trọng đó là ngôi nhà nào cũng phải có sau hẹ (cột thiêng). Khi dựng nhà, sau hẹ phải được dựng trước cả sau hóng (cột thờ). Bởi, với người Thái, sau hẹ là nơi quy tụ linh hồn của ngôi nhà, là biểu tượng trụ cột cho sự bền vững của gia đình.
Nhà sàn của người Thái. |
Cây dùng làm sau hẹ phải là loại gỗ tốt ở rừng hoặc vườn nhà, được lựa rất dụng công sao cho thân thẳng, thớ mịn, không vết sâu, ruỗng và phải được người thợ mộc lành nghề nhất trong bản "bào trơn, chạm chổ".
Vào ngày lành, chọn được giờ tốt, gia chủ mời thầy cúng đến làm lễ rồi nhờ những người đàn ông khỏe mạnh nhất đến giúp dựng sau hẹ lên trước sự chứng kiến của tất cả các thành viên trong nhà và láng giềng.
Đỉnh của sau hẹ được lồng vào một chiếc giỏ tre tượng trưng cho bầu trời (được gọi là chóp nguôm) bao bọc lấy trái đất. Trên chóp nguôm có treo rất nhiều các biểu tượng như hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa, ba bông thì là, gói hạt rau cải và linh vật của nam, nữ đẽo bằng gỗ, cùng thanh gươm. Những biểu tượng này đều mang ý nghĩa tôn giáo, giá trị nhân sinh riêng.
Ngôi nhà sàn của người Thái bao giờ cũng có hai cầu thang là Tang chan và Tang quản. Tang chan ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống, chan là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời, là nơi dành cho các mẹ, các chị, các em...
Tang quản là cầu thang dành riêng cho nam giới ở đầu nhà, nhà nào cũng có hai bếp lửa, bếp chính phía cuối nhà còn bếp lửa phía tang quản dành cho người già, từ bếp này đến hết cầu thang dành cho nam gọi là quản. Sau hẹ được đặt ở phía quản, nơi dành riêng cho đàn ông, có gian thờ tổ tiên và cũng chính là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà sàn...
"Sau hẹ có một ý nghĩa đặc biệt đối với người Thái chúng tôi. Nhìn thấy sau hẹ, mỗi thành viên đều được nhắc nhở về bổn phận nhớ ơn và thờ cúng ông bà, tổ tiên, sống sao cho có ích, phát huy được truyền thống tốt đẹp của gia đình" - già Điêu Văn Canh ở bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, thành phố Điện Biên chia sẻ.
Vĩnh Minh