Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị can, bị cáo chết thì cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ điều tra bị can đối với người chết, đình chỉ giải quyết vụ án (nếu vụ án không có bị can, bị cáo khác) và lúc đó mọi vấn đề liên quan đến người chết đều khép lại.
Điều cần đặt ra là nếu người chết là "quan tham" thì việc thu hồi tài sản mà họ tham nhũng sẽ như thế nào?
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia và ghi nhận được hai hướng đề xuất xử lý: Thứ nhất, quy định rõ trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi tham nhũng phải khởi kiện những người thừa kế di sản của "quan tham" để tòa buộc họ phải nộp lại tài sản tham nhũng. Thứ hai, sửa quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự để cơ quan tố tụng tiếp tục giải quyết vụ án hình sự nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.
Giải quyết bằng vụ kiện dân sự?
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), dựa vào nguyên tắc cứ có thiệt hại thực tế thì nguyên đơn có quyền yêu cầu bồi thường trong Bộ luật Dân sự thì ở trường hợp này, một cơ quan đại diện Nhà nước sẽ khởi kiện và tòa phải thụ lý. Lúc này nguyên đơn sẽ được cơ quan tố tụng chỉ định là người nhân danh Nhà nước đứng ra khởi kiện những người thừa kế di sản của người đã chết yêu cầu thu hồi hoặc bồi thường tài sản mà người đã chết có được do tham nhũng.
Theo TS Điện, để khách quan thì nguyên đơn đứng ra khởi kiện phải là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi tham nhũng chứ không phải bản thân cơ quan tố tụng như VKS.
Trong vụ kiện, nguyên đơn sẽ dựa vào kết luận về hành vi tham nhũng và tài sản liên quan của cơ quan tố tụng làm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Phía bị đơn - những người thừa kế của người đã chết - phải tự bảo vệ được nguồn gốc, tài sản người chết để lại, nếu không họ đương nhiên bị tòa suy đoán là tài sản bất minh và tuyên tịch thu.
Hay tiếp tục vụ án hình sự?
Quan điểm của TS Điện dựa vào chế định của pháp luật dân sự về quyền khởi kiện vì lợi ích chung. Đương nhiên nếu muốn thực hiện phương án trên để thu hồi tài sản tham nhũng của "quan tham" đã chết thì Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự cần phải bổ sung thêm nhiều quy định cụ thể hơn.
Một số chuyên gia lại không ủng hộ phương án khởi kiện bởi trong thực tiễn chưa từng có vụ kiện nào của cơ quan, tổ chức đòi thân nhân "quan tham" đã chết trả lại tài sản tham nhũng cả.
Tại một hội thảo mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đã lý giải thực trạng này: Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi tham nhũng gắn liền với tội phạm. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng (từ 2 triệu đồng trở lên) là phải xử lý hình sự, trong đó có việc xử lý tài sản tham nhũng. Vì vậy không ai khởi kiện dân sự để đòi tài sản tham nhũng mà chỉ có thể giải quyết ngay trong vụ án hình sự đó.
TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng, sở dĩ phải giải quyết luôn vấn đề tài sản tham nhũng trong vụ án hình sự vì với các tội phạm về tham nhũng, tài sản tham nhũng gắn liền với hành vi phạm tội, khung hình phạt của người bị cáo buộc, không thể tách rời.
Tuy nhiên, theo TS Oanh, không thể chấp nhận chuyện "quan tham" chết là hết bởi tài sản tham nhũng là tài sản nhà nước. Từ đó, TS Oanh đề xuất nên sửa Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng sau khi "quan tham" chết, cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục điều tra, kết luận tài sản nào là tham nhũng để làm cơ sở cho tòa thu hồi.
Cụ thể, sau khi "quan tham" chết thì cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra bị can, tức đình chỉ những gì liên quan đến hành vi phạm tội. Nhưng các vấn đề liên quan đến tài sản và việc khắc phục hậu quả thì vẫn phải tiếp tục làm rõ. Đối tượng chứng minh lúc này không phải là tội phạm mà là tài sản tham nhũng.
Điều quan trọng nhất là cuối cùng cơ quan tố tụng phải chứng minh, kết luận cho được tài sản nào là bất hợp pháp thì mới có thể xử lý. Khi đã chứng minh được rồi thì tòa có thể dễ dàng giải quyết việc thu hồi, bồi thường bằng một bản án và người thừa kế nghĩa vụ của người chết phải có trách nhiệm thực hiện.