Đây là một trong những thắc mắc của thí sinh gửi ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chiều 18.3.
Thưa ông, những thí sinh trượt tốt nghiệp năm trước, năm nay muốn thi lại cần đăng ký thi ở đâu, thi những môn gì?
- Quy chế đã nêu rất rõ các thí sinh tự do phân 2 loại. Nếu thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông thì được chọn cụm thi thuận lợi nhất. Học sinh chưa tốt nghiệp THPT cũng được chọn những môn thi nhưng thi tại nơi các em đăng ký cùng học sinh tại khu vực đó.
Thí sinh tự do thi tại địa điểm do sở GD-ĐT quy định. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ thi các môn như thi đại học cao đẳng hàng năm, còn lại các thí sinh khác thi giống nhau.
Ảnh minh họa.
Quy định chung về xét tuyển nguyện vọng cho thí sinh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sau khi có kết quả thi các trường sẽ in và cấp cho thí sinh 4 giấy, trong đó 1 giấy nguyện vọng 1 và 3 giấy nguyện vọng bổ sung. Trong số này, giấy xét tuyển nguyện vọng 1 chỉ được đăng ký tuyển sinh tại một trường.
Trong quá trình xét tuyển, nếu thí sinh cảm thấy khó đỗ ở trường đăng ký nguyện vọng 1 có thể rút hồ sơ nộp vào vào trường khác.
Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng khác. Nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 thì mới được đăng ký xét tuyển bổ sung. Như vậy, với tổng 4 giấy xét tuyển nguyện vọng, thí sinh sẽ có 12 cơ hội để xét tuyển.
Trong quá trình xét tuyển bổ sung, thí sinh được sử dụng 3 giấy xét tuyển nguyện vọng.
Ngoài ra, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển. Thí sinh chỉ được xét tuyển nguyện vọng bổ sung nếu trượt nguyện vọng 1. Nếu thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xét tuyển.
Được biết, miễn thi tốt nghiệp chỉ dành cho tốt nghiệp THPT? Vậy, các trường ĐH-CĐ có được miễn xét tuyển, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể về xét tốt nghiệp. Sử dụng quy định cụ thể hay không do các trường ĐH-CĐ tự quyết định.
Phần lớn các trường đều yêu cầu thí sinh phải thi ngoại ngữ, nhất là trường tốp trên, nhưng cũng có một số trường đồng ý sử dụng một số chứng chỉ.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.
Thí sinh tự do có được chọn cụm thi bất kỳ không, thưa ông? Thí sinh học tập một nơi, hộ khẩu một nơi thì đăng ký ở đâu?
- Thí sinh tự do được quyền chọn cụm thi. Thí sinh ở Hà Nội đăng ký thi ở TP.HCM cũng được và ngược lại.
Đối với những thí sinh lớp 12 được chọn cụm thi nhưng phải bắt buộc thi ở cụm thi đó. Ví dụ: Chọn cụm thi Nam Định, thí sinh phải thi cùng học sinh Nam Định.
Thí sinh đăng ký thi nhiều môn, nhưng bị kỷ luật thì có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, thưa ông?
- Nếu thí sinh bị đình chỉ sẽ hủy kết quả thi. Trường hợp thí sinh chỉ bị trừ điểm, các em vẫn được xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ.
Trường hợp thí sinh thi thiếu một trong những môn thi tốt nghiệp, nếu ốm đau, tai nạn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nếu điểm học các môn từ 5 điểm trở lên.
Hiện nay, nhiều trường THPT đã ôn tập, nhưng chưa có cấu trúc đề thi nên còn lúng túng? Ông có thể nói rõ hơn về điều này.
- Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, với 2 mục đích. Vì thế, đề thi sẽ có 2 nhóm câu hỏi: Một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp.
Nhóm thứ 2 tương tự câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ. Hướng đề thi giống như năm 2014. Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố công khai đề thi minh họa.