Dân Việt

Khôi phục không gian Điện Kính Thiên: Quyết làm dù có thể... tai tiếng!

Thanh Hà (thực hiện) 19/03/2015 08:05 GMT+7
Trải qua gần 10 năm, cùng nhiều cuộc hội thảo, sự góp ý của các chuyên gia, mới đây UBND TP.Hà Nội đã chính thức phê duyệt “Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên”. Về đề án này, phóng viên NTNN trao đổi với ông Trần Việt Anh (ảnh) - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Ông có thể chia sẻ thông tin về đề án vừa được phê duyệt, cũng như lộ trình thực hiện như thế nào?

img

Ảnh to:Du khách tham quan đôi rồng đá trước thềm điện Kính Thiên.  L.H.T
Ảnh nhỏ:Phạm vi không gian nghiên cứu tổng quan. T.H
- Đề án sẽ bao gồm 5 nhóm công việc. Thứ nhất là nghiên cứu điều tra, sưu tầm, khảo cứu tư liệu và khảo sát, học tập kinh nghiệm. Việc thứ 2 là nghiên cứu điều tra thực địa, khai quật khảo cổ học. Các việc tiếp theo là nghiên cứu phân tích, tổng hợp, biên tập, hệ thống hóa dữ liệu, tài liệu cơ bản; nghiên cứu lập phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên. Và công việc cuối cùng là khai thác hiệu quả kép của đề án.

 

Đây là một đề án chưa có tiền lệ, nên chưa có trong quy định pháp lý nào. Vấn đề phục dựng điện Kính Thiên đã trải qua thời gian dài nung nấu, rồi trải qua rất nhiều cuộc hội thảo với các quy mô, phạm vi khác nhau. Qua nhiều thời gian, các chuyên gia góp ý, các ban ngành thành phố thẩm định, Bộ VHTTDL mới có ý kiến để đi đến quyết định cuối cùng về đề án này của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên đây mới chỉ là viên gạch đầu tiên, là cơ sở pháp lý, còn để có những bước đi cuối cùng cho đề án, sẽ là cả một khoảng thời gian rất dài trước mắt.

“Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên” đang gặp khó khăn về dữ liệu cũng như sẽ phải kéo dài thời gian. Trong khi việc phục dựng điện Kính Thiên được xem như linh hồn của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đang là nỗi mong đợi của người dân?

- Khảo cổ thì không thể nào nhanh được. Khu di tích 18 Hoàng Diệu đã làm được 13 năm rồi, và phải làm từng bước, đầu tiên khảo cổ, rồi chỉnh lý, sau đó làm rất nhiều nghiên cứu khác mới ra được sản phẩm. Chúng tôi đang đề xuất với thành phố khối lượng công việc nghiên cứu này sẽ mất khoảng 4 năm. Ngay như Nhật Bản, khi họ khai quật điện Nara cũng 50 năm và 20 năm vừa nghiên cứu và phục dựng.

Chúng tôi chỉ vấp phải khó khăn về dữ liệu. Với đề án này chúng tôi hệ thống dữ liệu, tài liệu, kinh nghiệm khôi phục kinh thành, cung điện trong nước và thế giới thông qua mô hình khôi phục bằng không gian 2D và 3D. Tất cả các hình ảnh minh họa, phim bối cảnh của kinh thành, hoàng thành của các triều đại; các bản vẽ thiết kế, mô hình thử nghiệm tổng quan, cấu trúc cơ bản, chi tiết không gian điện Kính Thiên, các mô thức kiến trúc, nội thất, mỹ thuật, điêu khắc, phục trang, cảnh quan… đều phải làm.

Vậy thưa ông, phạm vi không gian địa lý, phạm vi các triều đại của đề án được xác định như thế nào?

Quan điểm
img
Ông Trần Việt Anh
  Về tầm quan trọng của việc phục dựng, rất nhiều chuyên gia cho rằng, trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới vậy mà giờ không có gì ngoài kiến trúc Pháp, còn lại hầu hết nằm dưới lòng đất, kết quả khảo cổ chưa chỉ ra hết. Cho nên việc nghiên cứu không gian điện Kính Thiên sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho di sản, và làm cơ sở quyết định khôi phục điện Kính Thiên”.  
- Phạm vi không gian nghiên cứu tổng quan của đề án được chúng tôi giới hạn địa lý của kinh thành, Hoàng thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử.

 

Thứ hai, phạm vi không gian điện Kính Thiên bao gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác. Trong đó quan trọng nhất là tòa Chính điện Kính Thiên.

Về phạm vi triều đại, sẽ giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu vào triều Lê (thời Lê Trung Hưng), bởi đây là thời kỳ còn sót lại nhiều tư liệu, di vật, công trình kiến trúc gỗ nhất. Còn thời nhà Lý, Trần, Nguyễn chúng tôi mong muốn dựng lại theo mô hình và không gian ảo.

Nguồn kinh phí của đề án được lấy từ đâu, cũng như tổng số tiền chi cho đề án là bao nhiêu?

- Kinh phí thực hiện đề án được cấp từ nguồn vốn kinh phí ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí nghiên cứu chuẩn bị và lập đề án dự kiến khoảng gần 2 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sẽ huy động của xã hội, vốn nhà nước chỉ ở mức độ vừa phải thôi. Hiện tại mới chỉ là sơ khai của đề án, khởi động chưa có tiền. Sau đây chúng tôi sẽ phải lập báo cáo, dự án đầu tư nghiên cứu phục dựng, tiếp đó giai đoạn thực hiện sau đó là phương án phục dựng. Nghĩa là bây giờ mới chỉ là trên giấy. Chúng tôi phải quyết tâm lắm mới dám tham gia vì đây là công việc “tai tiếng nhiều hơn nổi tiếng”.

Xin cảm ơn ông!