Dân Việt

Đừng “xuất khẩu văn học” chỉ qua “kênh” cá nhân!

19/03/2015 14:33 GMT+7
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh việc giao lưu về kinh tế, chính trị, ngoại giao thì văn hóa - trong đó văn học giữ một vai trò thiết yếu - là lĩnh vực được nhiều quốc gia rất chú trọng.

1. “Nhập siêu văn học” là cụm từ được nhắc đến nhiều những ngày qua, nhân Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba. Điều đáng suy nghĩ là trong khi chúng ta biết khá nhiều về nền văn học của các quốc gia, thì họ lại biết rất ít về Việt Nam. Cụm từ “nhập siêu văn học” vừa là sự nhắc nhở, cảnh báo, vừa chứa đựng những băn khoăn.  

Rõ ràng đang có sự mất cân xứng trên thị trường văn học Việt Nam. Trong khi chúng ta  hồ hởi đón nhận các tác phẩm văn học của thế giới; những cuốn sách vừa đoạt giải thưởng đã lập tức được dịch và xuất bản ở Việt Nam thì tác phẩm văn học Việt Nam xuất ngoại vẫn thưa thớt như “lá mùa thu”. Nói như nhà thơ Bằng Việt, thì văn học Việt Nam đến nay vẫn “quẩn quanh lũy tre làng”!

2. Hơn hai năm trước, vào ngày 12-10-2012, tại Pháp, một sự kiện văn học có ý nghĩa đặc biệt đã diễn ra ở Paris: Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại (hợp tác  với nhà xuất bản Riveneuve) chính thức ra mắt. Người chủ trương thực hiện Tủ sách là PGS.TS Đoàn Cầm Thi đã lý giải về việc làm này của mình: “Đã đến lúc phải cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam. 3/4 dân số Việt Nam sinh sau năm 1975. 

Lớp văn chương thật sự lớn lên sau chiến tranh mang nhiều tham vọng. Vai trò của một dịch giả như tôi đơn giản chỉ là hướng độc giả Pháp ngữ vào những tác giả mới này, và như vậy cùng lúc chống cự lại những hình ảnh sáo mòn nhưng thường trực của phương Tây về Việt Nam”.

Chỉ trong vòng hơn hai năm qua, Tủ sách đã cho ra mắt công chúng Pháp hơn chục tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, với các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang.... Bước sang năm thứ ba, những người thực hiện Tủ sách chủ trương đưa các nhà văn Việt Nam tham gia nhiều các sự kiện văn học quốc tế tổ chức tại Pháp, để qua đó tiếp tục nỗ lực quảng bá cho bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến văn học Việt Nam. Rất tiếc, người đại diện của Tủ sách đã không được mời tham dự sự kiện Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội. 

Vì nếu tham dự, những kinh nghiệm quý giá của người thực hiện thành công một Tủ sách có phong cách, và đầy sáng tạo được độc giả Pháp đón nhận sẽ bổ ích với những người làm công tác tổ chức và hoạch định chính sách ở Việt Nam trước mục tiêu đưa văn chương Việt ra với thế giới?
img
PGS TS Đoàn Cầm Thi trả lời PV báo chí Pháp về tủ sách văn học Việt Nam đương đại.

 

3. Sự thiếu vắng những gương mặt văn chương trẻ tại hội nghị vừa qua khiến một số đại biểu quốc tế không khỏi thắc mắc: “Chúng tôi hy vọng được gặp những tác giả mới, nhưng hóa ra vẫn là những người mà mình đã gặp từ Hội nghị lần trước. Chúng tôi đã đọc Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần…, sao họ không xuất hiện ở đây?”.

Không khó để đưa ra một câu trả lời cho sự thiếu vắng này. Rằng nhà văn của Việt Nam có cả nghìn người, không thể mời hết tất cả được. Nhưng cũng sẽ là lãng phí khi vẫn có những đại biểu Việt Nam tham dự một sự kiện văn học lớn như vậy, mà “thành tích” mang về cho sứ mệnh quảng bá chỉ là những bức ảnh kỷ niệm chụp chung với khách quốc tế!

4. Ai hay tổ chức nào sẽ nhận (chịu) trách nhiệm đưa văn chương Việt đến với thế giới? Sẽ có người cho rằng, đó phải là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của Hội Nhà văn. Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được “xuất ngoại” hoàn toàn là do các kênh cá nhân. 

Rất nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới trực tiếp khảo sát, hoặc nhờ những nhà văn có uy tín, có quan điểm độc lập để lựa chọn và giới thiệu cho mình những tác phẩm văn học đặc sắc. Vì việc tìm kiếm tác phẩm phù hợp thông qua các tổ chức, hội đoàn đôi khi mang nặng tính thủ tục hành chính, và kém hiệu quả. 

Ở Việt Nam, có nhà xuất bản nhanh nhậy đã tổ chức dịch và xuất bản tác phẩm văn học sang tiếng Anh, và mang những ấn phẩm này đến các hội chợ sách của quốc tế để chào hàng. Sự nhạy bén này sẽ giúp cho văn học Việt Nam có thêm nhiều cánh cửa để “xuất ngoại”.

Văn chương là tài sản của quốc gia. Đưa văn chương Việt đến với bạn bè quốc tế là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh việc giao lưu về kinh tế, chính trị, ngoại giao thì văn hóa - trong đó văn học giữ một vai trò thiết yếu - là lĩnh vực được nhiều quốc gia rất chú trọng.