Dân Việt

Một đời cây, một đời người

Lê Tâm 20/03/2015 06:57 GMT+7
Hà Nội những ngày chuẩn bị vào hè này thời tiết chưa quá nóng, nhưng đang nóng ran bởi một chuyện khác, đó là việc UBND thành phố quyết định chặt và thay thế 6.700 cây xanh trong toàn bộ các quận nội thành. 
Không phải là những đợt chặt hạ cây mục ruỗng để chuẩn bị cho mùa mưa bão nữa, mà thay thế đồng loạt, chặt đồng loạt trên các tuyến phố để thay bằng cây mới trong một đề án cải tạo với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.

Có người ví Hà Nội đang như hứng chịu một trận bom như hồi 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972 với những phố phường ngổn ngang xác cây xanh bị cưa. Những hố nham nhở trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đã được chôn xuống những cây vàng tâm- loại cây cành lá rất thưa không hề cho bóng mát.

Rất nhiều người đã lên tiếng về sự kỳ lạ này. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã viết thư ngỏ gửi ông Chủ tịch UBND thành phố để kiến nghị dừng ngay việc chặt hạ cây nếu chưa có sự kiểm tra kỹ càng rằng liệu có phải toàn bộ 6.700 cây xanh đó cần chặt gấp. Từ Mỹ, GS Ngô Bảo Châu cũng đặt ra 10 câu hỏi  liên quan đến việc chặt cây đồng loạt ở Hà Nội.

Tại buổi họp giao ban báo chí mới đây, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, việc chặt cây đã được HĐND thông qua, vì vậy không cần phải hỏi ý kiến người dân về việc này.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, trang facebook “6.700 người vì 6.700 cây xanh” hiện đã thu hút gần 23.000 lượt người ủng hộ (tính đến tối ngày 19.3). Điều đó chứng tỏ quyết định chặt hạ đồng loạt 6.700 cây xanh đã không nhận được sự đồng tình của toàn bộ người dân thủ đô.

Cây xanh là một phần không thể thiếu của đô thị, có thể xem nó là một di sản của thành phố có tuổi đời 1.000 năm này. Mỗi gốc cây chứa đựng trong nó ký ức của bao nhiêu thế hệ người Hà Nội, phải mất hàng trăm năm mới có một cây cổ thụ. Mỗi cây cổ thụ dường như đều có linh hồn, đều có một cuộc đời rất đáng trân trọng.

Việc thay thế cây xanh chưa phù hợp với cảnh quan trong quá trình đô thị hóa là việc cần thiết, xong nó phải được tiến hành trên cơ sở khoa học và phải được đưa ra bàn bạc công khai, minh bạch. TP. Hà Nội cho biết đã xã hội hóa việc thay thế cây xanh này, thế nên người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Những cây cổ thụ được chặt bỏ ấy đã đi đâu về đâu khi mà giá trị kinh tế của các thân gỗ ấy là cực lớn?

Hà Nội hiện có khoảng 30.000 cây xanh riêng trong khu vực nội thành, lần này thành phố quyết định chặt hạ hơn 1/5 tổng lượng cây, chắc chắn mùa hè này, sự ô nhiễm không khí sẽ rất nặng nề, nhiệt độ ở khu vực nội thành sẽ tăng lên do “lá phổi” đã bị xén bớt.

Những thân cây không biết nói năng, giống thực vật vô tri không thể lên tiếng kêu cứu, chúng cũng không có luật sư nào biện hộ trước khi bị “hạ sát”. Nhưng chúng đã là một phần của thành phố 1.000 năm tuổi này, sự hiện diện của chúng là phần ký ức thành phố, vì vậy 6.700 cây xanh cũng đáng được tôn trọng như những công dân đáng kính của Hà Nội.

Vậy mà chúng bị đưa vào danh sách chặt bỏ không thương tiếc, không được đưa ra để người dân thủ đô bàn bạc xem cây nào nên giữ, cây nào cần loại bỏ.

Ở Singapore có hẳn một hội đồng bàn duyệt, lựa chọn về việc cây nào được phép trồng trong thành phố. Vì vậy, Hà Nội nên có cái nhìn dài và xa, cân nhắc kỹ lưỡng và cần trọng trong đợt thay thế cây xanh lần này, đừng để trong tương lai sẽ diễn ra một đợt “thanh trừng” cây xanh hàng loạt chỉ vì lý do “không phù hợp”.