Dân Việt

Nghệ nhân tuổi thất thập đắm đuối cồng chiêng

Mỵ Lương – Vũ Huế 20/03/2015 08:07 GMT+7
Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Thực (tổ 14, phường Thái Bình, TP.Hòa Bình) vẫn cần mẫn rong ruổi đây đó để sưu tầm, lưu giữ  văn hóa cồng chiêng của người Mường. Ông cùng đội văn nghệ “Hương rừng Tây Bắc” thổi hồn để khơi dậy tình yêu cồng chiêng ở quê hương. 
Cồng chiêng “ngấm” vào máu

Với nhịp sống bận rộn, hối hả của thời đại, khó có thể nghe tiếng cồng chiêng của người Mường vang lên ngân nga, vui tươi giữa đất Hà thành. Thật tình cờ khi đến với ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tổ chức vào tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, chúng tôi được tận mục sở thị trình tấu liên khúc 3 bài cồng chiêng bao gồm: “Đón khách đến, đưa khách đi”, “Trầm khâm vui hội”, “Bến Rậm trong bờ”, do đội văn nghệ mang tên “Hương rừng Tây Bắc” trình diễn.

Đội cồng chiêng này được nghệ nhân Nguyễn Văn Thực thành lập. Ông Thực cho hay: “Đây là lần thứ 3 đội chúng đến Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội để tham gia biểu diễn cồng chiêng của người Mường. Lần dự ngày hội Sắc xuân năm nay, đội văn nghệ phải hủy 3 lời mời tham gia biểu diễn ở các nơi khác. Đó là điều đáng vui cho đội văn nghệ nhưng nghĩ cũng thấy tiếc, bởi mất đi cơ hội được thể hiện nét đẹp văn hóa cồng chiêng xứ Mường!”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực bắt đầu học đánh cồng chiêng, hát dân ca, kéo nhị, thổi sáo, đánh đàn từ khi 12 tuổi. Lúc đó, cậu học trò thường theo người cô ruột là bà Nguyễn Thị Tợng tham gia sinh hoạt đội văn nghệ của xã. Đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên xứ Mường đã đi biểu diễn nhiều tiết cồng chiêng ở khắp nơi như: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động… Nói về những ngày đầu tham gia tập luyện, ông Thực tâm sự: “Ban đầu tập chơi cồng chiêng chỉ nhằm giải trí, thỏa mãn tò mò. Ai ngờ càng tập càng say, cồng chiêng như ngấm vào máu. Tiếng chiêng cứ như giục giã thôi thúc bản thân tôi, mỗi khi có buổi biểu diễn văn nghệ là tôi chẳng thể bỏ được”.

Với tâm huyết lưu giữ lại nét đẹp văn hóa cồng chiêng, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực bỏ tiền túi để thu mua số cồng chiêng trong vùng. Bên cạnh đó, ông còn rong ruổi khắp các vùng rẻo cao, những nơi có người Mường sinh sống như Sơn La, Thanh Hóa… để mua cồng chiêng. Dàn cồng chiêng của đội văn nghệ hiện nay đã hoàn chỉnh gồm 2 bộ, mỗi bộ có 12 chiếc. “Có những chiếc chiêng giá trị 10 triệu, 20 triệu đồng… Chiêng cổ thì đắt tiền hơn lên đến 30- 40 triệu đồng. Số tiền từ việc bán bò, lợn, gà… đều được gia đình tán thành cho tôi đi mua chiêng. Vậy nên hễ có người bán cồng chiêng là tôi lại tới tìm” – ông Thực kể.

img
Đội văn nghệ “Hương rừng Tây Bắc” biểu diễn tại ngày hội “Sắc xuân
trên mọi miền Tổ quốc” dịp Tết Ất Mùi 2015. Ảnh: Mỵ Lương

3 thế hệ 1 tiếng chiêng

Tình yêu đối với cồng chiêng được Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực truyền lại cho các con, các cháu. Con gái thứ ba của ông Thực đồng thời là đội trưởng đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” - chị Nguyễn Thị Bịnh cho hay: Cồng chiêng kén người tập, người diễn. Nó không giống như nhạc cụ khác chỉ cần một người là có thể biểu diễn được. Để tạo ra giai điệu cồng chiêng, ngoài 6 nốt chính do những người già dặn và có kinh nghiệm đánh còn cần thêm những diễn viên thể hiện chiêng khầm. Cứ như vậy, tiếng này dồn tiếng kia, người này hiểu người kia thì mới tạo ra được giai điệu cồng chiêng có hồn. “Tình yêu cồng chiêng của tôi được cha truyền từ nhỏ, nay lại được truyền tiếp cho cô con gái tôi là Nguyễn Thị Thoa. Niềm vui lớn nhất là tối đến cả nhà quây quần bên những giai điệu cồng chiêng ngân nga bung…. beng” - chị Bịnh tâm sự.

Hiện nay, đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” có 24 thành viên (5 nam, 19 nữ), bao gồm cả nhạc công, diễn viên. Đội văn nghệ vẫn luôn tự hào vì thế hệ diễn viên trẻ có lòng đam mê, yêu thích cồng chiêng từ khi còn nhỏ và tham gia lưu diễn nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định… “Hương rừng Tây Bắc” đã được đánh giá cao, giành được nhiều Huy chương Vàng trong những chương trình biểu diễn cồng chiêng lớn trong, ngoài tỉnh.

Người nóiDanh xưng
  Nếu là vở cồng chiêng cổ thì thời gian tập khoảng 2-3 tuần là đội có thể diễn được. Cả đội thường tạo điều kiện để những diễn viên trẻ tuổi, lớp diễn viên mới có cơ hội được thể hiện tài năng biểu diễn, học hỏi thêm kinh nghiệm.  
Ngoài thời gian tập luyện cho đội văn nghệ những tiết mục cồng chiêng, các diễn viên trong đội còn tập thêm những tiết mục múa cổ như: “Múa xênh chiềng”, “Múa giã gạo”… để mỗi dịp có chương trình biểu diễn là “Hương rừng Tây Bắc” nhiệt tình tham gia.

Điều khiến các thành viên trong đội văn nghệ “Hương rừng Tây Bắc” quan tâm hiện nay là điều kiện kinh phí trang trải cho mỗi lần cả đội đi tham gia biểu diễn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực cho hay: “Mỗi năm đội văn nghệ được sự quan tâm của các ban ngành  đầu tư cho 2 triệu đồng để đội duy trì hoạt động. Còn lại các thành viên đều phải tự túc trang bị trang phục cho mỗi buổi diễn. Nếu là dạng vải bình thường có thể là 1 triệu đồng, người có điều kiện thì bỏ 1,5 triệu đồng để may quần áo. Điều này đối với những gia đình khá giả thì không sao, nhưng với những nhà có điều kiện khó khăn là cả một vấn đề lớn”.