Hạn đến sớm
Băng qua các cánh đồng vùng Bảy Núi (thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được cái nóng ran như lửa đốt của mùa hạn nơi đây. “Năm nay, mùa hạn đến sớm, chưa hết tháng Giêng mà nhiều đường ô, con suối đã phơi đáy. Ấp tôi hiện đã thiếu nước sinh hoạt hơn tuần nay rồi” – ông Chau Duôl- Trưởng ấp Vĩnh Thượng (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) thông tin.
Trưởng ấp Chau Duôl còn cho biết thêm: “Cũng trong ấp Vĩnh Thượng, các nhà sư ở chùa Cây Khoa từ hơn tháng nay đã tất bật đào thêm giếng lấy nước sinh hoạt cho đồng bào phật tử chung quanh chùa. Tuy nhiên dù đã tăng cường “hết ga” nhưng cũng chỉ tiếp thêm cho hơn chục hộ tại chỗ mà thôi”.
Các sư sãi các chùa Khmer vùng Bảy Núi đang khẩn trương làm ống cống để đào giếng nước chống hạn. Ảnh: Trọng Bình
Để chủ động ứng phó với hạn hán thường xuyên cho đống bào dân tộc Khmer dưới chân núi, tỉnh An Giang đã đầu tư nâng cấp hồ Rô (xã An Cư). Nhờ đó, trữ lượng chứa nước mạch (nước sạch có thể uống được) đã tăng lên hơn 1.500m3. Tuy vậy, hiện nay nước trong hồ này cũng cạn gần tới đáy. Đại đức Chau Khonl, trụ trì chùa Rô cho biết tình hình này xem ra có thể sẽ thiếu nước trầm trọng hơn nếu trời không mưa sớm.
Cách hồ Rô khoảng hơn 5km là hồ Cây Đuốt, 1 trong số 3 hồ lớn và có nguồn nước ổn định nhất ở vùng Bảy Núi. Hồ được cử người canh giữ cẩn thận quanh năm để đảm bảo có nguồn nước sạch cho các xã lân cận. “Năm nay nắng gắt quá, chưa vào cao điểm mùa khô mà hồ đã cạn sát đáy. Mọi năm giờ này nước hãy còn đầy hồ” – ông Nguyễn Văn Hôn, người canh giữ hồ Cây Đuốt cho biết.
Thêm nhiều công trình nước ngọt
Ông Trần Quốc Thanh - Phó Ban Dân tộc tỉnh An Gian
Chúng tôi đang ra sức cải thiện tình trạng khan hiếm nước để có thêm nhiều phum, sóc hẻo lánh có đủ nước sinh hoạt. Trong đó, hơn 1.000 hộ giáp ranh 2 xã An Tức và Núi Tô cũng được cấp nước sạch trong mùa khô này.
Đến nay, tỉnh An Giang đã kêu gọi được 9 doanh nghiệp đến đầu tư tại miền núi 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa hẻo lánh). Chính quyền các địa phương này cũng đặc biệt quan tâm việc sắp xếp, bố trí lại dân cư phum, sóc để thuận tiện cho việc phát triển đồng bộ về hệ thống nước sạch. Đồng thời, phối hợp các nguồn xã hội hóa để xây dựng thêm hệ thống dẫn nước đến các cụm, tuyến dân cư mới; hỗ trợ dụng cụ chứa nước dành cho hộ sống nơi dân cư còn thưa thớt.
Toàn vùng Bảy Núi hiện đã triển khai trên 70 công trình cấp nước, giá trị đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngành điện nước địa phương đang nỗ lực thi công, phấn đấu để 100% xã, thị trấn đều có trạm cấp nước, hệ thống ống dẫn và tuyến phân phối nước.n