Thời gian gần đây, một số quận nội thành của Hà Nội như Hoàng Mai, Thanh Xuân… và các huyện Hoài Đức, Từ Liêm, Đan Phượng, lượng muỗi dày đặc. Nhiều gia đình đã thuê các công ty về diệt muỗi. Tuy nhiên, việc phun thuốc không đúng cách sẽ là hiểm hoạ gây bệnh tật
TS Nguyễn Công Tảo - Trưởng khoa Xử lý dịch bệnh Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, muỗi bùng phát có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do môi trường.
Thời tiết nóng ẩm hiện nay cũng thuận lợi cho muỗi phát triển. Tuần qua, trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) phát hiện nhiều ổ nước bẩn, tồn đọng nước thải lâu ngày là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Năm nào ở đây cũng có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Để chống muỗi đốt gây các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm màng não, nhiều người đã tìm mọi cách để diệt muỗi, thậm chí thuê hẳn một đơn vị chuyên diệt muỗi, côn trùng đến tận nhà phun hóa chất diệt muỗi. TS Tảo cho biết, lợi dụng điều này, nhiều công ty cũng gõ cửa từng nhà dân để phát tờ rơi quảng cáo hoặc mạo danh nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để mời chào mua thuốc diệt muỗi, côn trùng hoặc phun thuốc diệt muỗi.
TS Tảo khuyến cáo, cách làm này sẽ không đem lại hiệu quả, mà còn gây rất nhiều tác hại ngược. Bởi vì nhiều công ty sử dụng hóa chất diệt muỗi có 2 chất là shipyrethroids và carbamate. Đây là 2 chất có thể gây suy hô hấp, làm tăng nhịp tim, nếu bị ảnh hưởng kéo dài có thể gây ung thư. Việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài... sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng hóa chất.
Hiện tại, ở nước ta có 4 loại thuốc hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép, nhưng hầu như đã bị muỗi kháng thuốc, chỉ còn duy nhất một loại vẫn còn có thể sử dụng, nhưng phải tăng nồng độ cao hơn rất nhiều. Do đó, nếu quản lý không chặt việc tự ý phun hóa chất diệt muỗi, để các đơn vị không có thẩm quyền, chuyên môn tự ý cung cấp dịch vụ này đến nhân dân sẽ là mối nguy hiểm lớn, làm tăng nguy cơ muỗi kháng thuốc.
Ngoài ra, việc xịt thuốc muỗi quá liều, không che chắn để hoá chất dính vào đồ đựng thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc. Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, tuần nào cũng tiếp nhận và điều trị cho 5-7 người ngộ độc thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng khi diệt muỗi.
Kiều Việt Thành