Dân Việt

Đói vốn vì mang “mác”... phường

27/05/2011 15:42 GMT+7
(Dân Việt) - “Mang tiếng là dân của phường nhưng hầu hết hộ dân nơi đây vẫn phải mưu sinh bằng nông nghiệp, nên việc không được vay vốn là quá thiệt thòi”- anh Hòa nói.

Ngân hàng không thiếu vốn để cho nông dân vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, nhưng rất nhiều nông dân ở Thừa Thiên - Huế lại không thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Các chủ trang trại, HTX chịu thiệt

Anh Lê Hùng (xã Bình Thành, Hương Trà) có một trang trại mô hình VACR hơn 3ha. Vì thiếu vốn nên nhiều năm qua anh không có điều kiện mở rộng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế của trang trại.

Khi nghe tin ngân hàng triển khai cho vay vốn Nghị định 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, anh Hùng làm hồ sơ xin vay nhưng không được vay do trang trại của anh chưa được chứng nhận. “Để trang trại có giấy chứng nhận không dễ chút nào nên tui đành chấp nhận đói vốn”- anh Hùng cho biết.

img
Hầu hết các chủ trang trại ở Thừa Thiên- Huế không thể tiếp cận vốn vay “41” do trang trại chưa có chứng nhận.

Tình trạng như anh Hùng khá phổ biến ở Hương Trà cũng như các địa phương khác ở Thừa Thiên - Huế. Vì vậy, khi ngân hàng triển khai cho vay vốn theo Nghị định 41, hầu hết các chủ trang trại bị thiệt thòi do không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Một phần chủ trang trại trong số này phải chuyển sang vay vốn theo mức vay hộ gia đình, nhưng số tiền vay được quá nhỏ giọt nên không thể đầu tư phát triển sản xuất.

Các HTX cũng lâm vào tình cảnh như trên. Nhiều chủ nhiệm HTX nông nghiệp tiếp xúc với NTNN tâm sự rằng, họ thất vọng trước quy định HTX phải có “sổ đỏ” mới được vay theo Nghị định 41. Hiện tại phần đông các HTX nông nghiệp ở Thừa Thiên - Huế vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, những HTX này bị loại ra khỏi đối tượng được vay vốn vì không đủ điều kiện quy định.

Trong khi đó, nông dân được vay vốn theo mức vay hộ gia đình cho rằng số tiền được vay quá nhỏ. “Tui vay vốn phát triển nuôi trâu nhưng chỉ được cho vay vỏn vẹn 40 triệu đồng. Để đầu tư phát triển đàn trâu lớn, số tiền này chỉ là muối bỏ bể”- ông Phạm Lân (xã Bình Thành, Hương Trà) cho biết. Ngoài ra, nhiều nông dân than phiền vay vốn theo Nghị định 41 thủ tục khá rườm rà khiến họ e ngại nên không tiếp cận vốn vay.

Thiệt thòi vì mang “mác” phường

Trang trại chăn nuôi nhỏ của anh Trần Hòa (phường Thủy Châu, Hương Thủy) rất cần được vay vốn theo Nghị định 41 để phát triển sản xuất nhưng không thể vay được. Vì theo quy định của Nghị định 41, nông dân các phường không nằm trong số đối tượng được vay vốn.

“Mang tiếng là dân của phường nhưng hầu hết hộ dân nơi đây vẫn phải mưu sinh bằng nông nghiệp, nên việc không được vay vốn là quá thiệt thòi”- anh Hòa nói.

Thị xã Hương Thủy được thành lập vào tháng 3.2010 từ huyện Hương Thủy. Sau khi lên thị xã, có 4 trong số 11 xã của huyện Hương Thủy cũ được lên cấp phường. Mới chân ướt chân ráo lên phường, nên hầu hết các hộ dân ở các phường này vẫn là nông dân kiếm sống bằng trồng trọt, chăn nuôi nên rất cần được vay vốn.

Bà Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Kinh doanh Ngân hàng NNPTNT chi nhánh thị xã Hương Thủy cho biết, đến ngày 23.5, tổng dư nợ cho vay ngắn hạn theo Nghị định 41 của chi nhánh Hương Thủy là 2.263 triệu đồng, trung hạn 10.701 triệu đồng, có 439 khách còn dư nợ. Tuy nhiên, đối tượng vay vốn ở đây đều là nông dân của 7 xã, chứ không có nông dân nào của các phường.

Bà Trương Thị Bích Loan - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT chi nhánh thị xã Hương Thủy, nhận xét: “Phường chẳng qua là hình thức còn thực tế các phường này nông dân vẫn chiếm hầu hết. Ví dụ như các phường Thủy Châu, Thủy Phương, 90% hộ dân làm nông nghiệp, nên nhu cầu vay vốn theo “41” là chính đáng”.

Bà Loan cũng cho biết, chi nhánh đã đề xuất lên Ngân hàng NNPTNT tỉnh và trung ương cho phép nông dân các phường này được vay theo “41” nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

“Ngân hàng không thiếu vốn cho nông dân vay theo “41” mà khó là ở chỗ nông dân không tiếp cận được vốn vay do rào cản của cơ chế”- bà Loan nói.