Chiếm 12% các loại ung thư ở nữ
Cách đây 1 năm, chị Trần Thị Lan (37 tuổi, Hà Tĩnh) thấy bụng dưới đau lâm râm, vùng kín ra nhiều dịch, có mùi hôi, đau rát. Tuy nhiên, chị chỉ nghĩ đó là các cơn đau bụng kinh và viêm nhiễm thông thường. Đến khi chị bị ra máu lâu, bụng ngày càng đau mới đi khám, làm xét nghiệm. Kết luận của bác sĩ khiến chị choáng: Chị đã bị UTCTC giai đoạn 4, phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung và tiến hành xạ trị. “Trước đây cũng đã vài lần đi khám, bác sĩ chỉ bảo viêm nhiễm, chữa trị qua loa một thời gian cũng hết triệu chứng. Ai ngờ lần này lại nghiêm trọng đến như vậy” – chị Lan cho biết.
Điều trị xạ trị ung thư tại Bệnh viện K Trung ương. Diệu Linh
TS-bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa (Bệnh viện K T.Ư) cho biết, UTCTC là một trong những bệnh ung thư thường gặp, chiếm khoảng 12% các loại ung thư ở phụ nữ. Đây là bệnh gây tử vong cao ở nữ giới, gấp 10 lần tử vong do HIV gây ra. “Theo lý thuyết thì phụ nữ 40 tuổi trở lên mới dễ mắc UTCTC. Tuy nhiên, trên thực tế ngày càng nhiều phụ nữ dưới 30 tuổi mắc bệnh này. Thậm chí có bệnh nhân mới chỉ 20-25 tuổi. Về cơ bản những người bị viêm nhiễm đường sinh dục mà không điều trị dứt điểm, bị nhiễm nhiều lần thì nguy cơ xuất hiện tế bào UTCTC là rất lớn” - TS Tuyên cho biết.
Cần khám sàng lọc định kỳ
Theo PGS-TS Lê Trung Thọ (Đại học Y Hà Nội), một điều rất đáng tiếc là UTCTC có thể dự phòng được nhưng lại là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu, tỷ lệ tử vong cũng lên đến 50%. Số còn lại phải trải qua điều trị đau đớn, tốn kém và suy sụp về tâm lý.
Còn theo TS Trịnh Hữu Vách – Giám đốc Dự án Nâng cao nhận thức về UTCTC tại Việt Nam (do Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình - RaFH thực hiện) nếu phát hiện tế bào CTCTC từ giai đoạn 0 thì tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 100%. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn 4 thì hy vọng sống chỉ còn 5%. Nếu phụ nữ có tầm soát thì mức độ phát triển ung thư là 0,7%, nếu không tầm soát là 2,5%. Còn hơn 10 năm không tầm soát sức khỏe thì nguy cơ UTCTC tăng thêm 12%.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng RaFH cho biết: “Hầu hết phụ nữ đều chưa nhận thức được các nguy cơ cao dẫn đến UTCTC. Nhiều người cho rằng chỉ viêm nhiễm thông thường, không điều trị cũng chỉ hơi khó chịu chứ chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Điều đó dẫn đến các viêm nhiễm nặng hơn và biến chứng thành ung thư”.
Kết quả dự án sàng lọc UTCTC từ năm 2012 đến nay, ở 5 tỉnh và với các phụ nữ từ 30-50 tuổi của RaFH cho thấy, đa số chị em bị viêm nhiễm đường sinh dục. Tại huyện sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) có đến 75% phụ nữ bị viêm nhiễm (trên tổng số 750 phụ nữ được xét nghiệm). Tại Thái Bình, Cần Thơ, cũng có đến hơn 70% chị em bị viêm âm đạo, viêm CTC bất thường.
Còn theo TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, tỷ lệ UTCTC của phụ nữ Việt Nam còn cao là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ cũng như chưa có hệ thống phát hiện ung thư sớm để chị em dễ tiếp cận hơn. “Đa phần chị em ở nông thôn chưa ý thức về việc sàng lọc UTCTC, chủ yếu có bệnh hoặc bệnh nặng mới đi khám” – TS Tiến cho biết.
Mỗi ngày, nước ta có 9 phụ nữ tử vong vì UTCTC. Cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc UTCTC với 11 trường hợp tử vong. Mỗi năm, có trên 5.000 trường hợp mắc và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.