Mùa đông khách dễ đói, mùa hè khách hay khát. Thế nhưng trong phạm vi hàng chục ha rừng cây luôn có “ngựa xe như nước áo quần như nêm” ấy, tôi chỉ nhìn thấy một quán ăn nhỏ nấp kín trong một khu vườn và một chiếc xe bán giải khát. Một cô gái Pháp xinh như mộng ép nước cam bán cho khách với khuôn mặt tươi cười, nhã nhặn.
Đặc biệt tôi đọc được một tấm biển thông cáo của thị trưởng Paris, giải thích cho du khách vì sao lại cho phép bán nước cam ở đây. Chúng tôi bảo nhau: Nếu Versailles ở Hà Nội hay Sài Gòn thì chắc chắn có không dưới hàng trăm quán cóc và một đội ngũ bán hàng đông không kém du khách.
Di tích của ta không chỉ bị khai thác để làm nơi bán hàng vặt nhếch nhác đến thảm hại, mà còn là cái vú sữa để người ta vẽ ra những dự án gọi là “trùng tu” nhưng thực chất là làm hỏng vẻ đẹp xưa bằng những trò vẽ rắn thêm chân, tốn tiền tỷ nhưng kết quả là biến di tích trăm năm tuổi thành di tích một - hai năm tuổi. Thành Nhà Mạc Tuyên Quang là một ví dụ.
Di tích lịch sử là kỷ niệm, là ký ức, không thể biến thành chỗ kiếm tiền. Con người hiện đại tìm đến đây để nhìn lại quá khứ, sống lại những phút giây của hàng trăm năm trước và suy nghĩ về bản thân cũng như tìm thấy lời giải đáp cho những vấn đề hiện đại.
Mối lợi di tích đưa lại cho một dân tộc, một cộng đồng không tính được bằng tiền nhưng thật vô giá. Bởi nếu không có di tích hoặc di tích bị làm ra nhếch nhác như kiểu thành cổ Sơn Tây, thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, dân tộc sẽ cảm thấy mồ côi, bơ vơ. Và cái giả phải trả cho não trạng tinh thần ấy cũng không thể tính bằng tiền mà bằng sự tha hóa, suy đồi về đạo đức, về ý chí và thậm chí cả tinh thần yêu nước.
Mất một - hai vụ mùa, người ta sẽ gượng dậy dễ dàng nếu gặp mưa thuận gió hòa. Nhưng di tích lịch sử mất đi là một phần hồn của đất nước mất đi, khó mà hồi phục được.
Nguyễn Quang Thân