Dân Việt

Dòng dõi múa rối nước nổi tiếng đất Nam Định

Chu Hồng Châu 21/03/2015 13:00 GMT+7
 Múa rối nước là môn nghệ thuật mang đặc thù nền văn minh lúa nước đất Việt. Làng Rạch (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) là một trong những cái nôi múa rối nước nức tiếng. Tại làng Rạch, dòng họ Phan nổi tiếng khi có nhiều thế hệ nối nghiệp loại hình nghệ thuật truyền thống này.  

Cha truyền con nối vinh danh rối nước Việt      

Rối nước làng Rạch có truyền thống mấy trăm năm được hai dòng họ Phan, họ Đặng đời truyền đời giữ gìn và phát triển. Cái ao làng thuở trước được con cháu dòng họ Phan, họ Đặng biểu diễn múa rối ngày 16 tháng Giêng hàng năm mỗi dịp tế lễ Thành Hoàng làng tại ngôi đình cách đây hơn 400 năm, nay được xây dựng thành một nhà thủy đình khang trang.

Nghệ nhân Phan Văn Ngải - truyền nhân đời thứ 6 của nghề rối nước họ Phan (cụ qua đời năm 2013, hưởng thọ 81 tuổi) nổi tiếng khắp trong và ngoài nước đã truyền lại cho các con mình 16 tích trò múa rối cổ. Năm 1964, cụ Ngải cùng cha mình đã được Nhà hát múa rối Trung ương mời cộng tác, và cũng chính cụ Ngải đã phát minh ra bể cạn phục vụ cho các đoàn múa rối lưu động.

img

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh giới thiệu rối Cô Tiên.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh - con trai cả của cụ Phan Văn Ngải nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi 60 hồ hởi: "Nghề rối nước truyền tới tôi là đời thứ 7. Cha tôi có 7 người con trai, hiện 4 anh em tôi vẫn theo nghề. Các cụ kể lại rằng, múa rối nước làng Rạch đã có cách đây hàng trăm năm, trước biểu diễn ở ao làng, sau đó chuyển về thủy đình trước đình làng.


Ngoài những tích trò cổ vốn có, ông Mạnh cũng đang xây dựng những tích trò mới cho phù hợp hơn với xã hội hiện tại. "Tích trò cổ chủ yếu mang tính mua vui, chưa mang nhiều yếu tố giáo dục. Vì vậy tôi đã xây dựng thêm các trò mới sao cho mang tính giáo dục cao hơn khi biểu diễn cho các cháu học sinh như "Sự tích Hồ Hoàn kiếm", nhấn mạnh đến giới thiệu lịch sử dân tộc cho các cháu, hay tích trò "Cô bé quàng khăn đỏ"... gắn vào đó những yếu tố đạo đức như một phương pháp giáo dục trực quan" - ông Mạnh tâm sự...

Con cháu cứ thế kế tiếp nhau phát triển và giữ nghề, hàng năm cứ đến ngày 16 tháng Giêng mở hội làng lại tổ chức biểu diễn múa rối tôn vinh công đức Thành Hoàng làng, cũng là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn những vị tổ nghề".

 

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh và em trai ông - nghệ nhân Phan Văn Liêm là những người nổi tiếng trong làng rối nước Việt. Ông Liêm hiện có sân khấu múa rối trên tầng 4 tại nhà riêng phố Khâm Thiên (Hà Nội) chuyên biểu diễn phục vụ và quảng bá nghệ thuật rối nước Việt đến du khách trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh có 4 người con, 3 gái 1 trai. Các con ông đều có năng khiếu về sáng chế, mỹ thuật. Ba người con gái ông dù mỗi người một nghề nhưng rất có năng khiếu trong việc chế tạo các con rối các loại làm đồ lưu niệm cho các cửa hàng của gia đình rải khắp thủ đô.

"Hổ phụ sinh hổ tử", anh Phan Văn Mầm- con trai út của ông hiện là sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2009 và vinh dự được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen, anh cũng nhận được bằng khen của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao tặng, sau đó được đi biểu diễn tại cộng hòa Nigeria.

Giữ lửa đam mê và nỗi lo truyền nghề

img

Anh Phan Văn Mầm (con nghệ nhân Phan Văn Mạnh) vinh dự được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen khi đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2009.

Khi nói về việc truyền nghề cho thế hệ kế cận, khuôn mặt ông Mạnh trở nên đăm chiêu: "Thời nay có quá nhiều loại hình giải trí nên múa rối cũng có lượng khán giả rất hạn chế. Tôi đã nhiều lần đi biểu diễn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, có khi ở Pataya (Thái Lan) cả năm trời, qua đó thấy khán giả khắp nơi rất hào hứng khi xem múa rối Việt. Trong nước tôi cũng dẫn đoàn đi biểu diễn khắp các miền, nhưng chủ yếu phục vụ lễ hội hay diễn trong trường học cho các cháu nhỏ, thi thoảng mới được mời diễn phục vụ khách du lịch. Thu nhập chẳng đáng là bao nên thế hệ sau không hào hứng học nghề cho lắm".

Mỗi lần đi biểu diễn đoàn của ông cần 5-7 người. Để biểu diễn ngày 2 buổi với 500.000 đồng thù lao cho mỗi người thì chúng tôi đã mất 2 ngày chuẩn bị và thu dọn đồ nghề, chưa kể tiền đi lại, ăn ở nên tiền công chẳng đáng là bao.

"Có lúc vì yêu nghề, vì uy tín nên tôi phải vay tiền đưa đoàn đi diễn. Thế hệ kế cận cũng phải mưu sinh bởi cơm áo gạo tiền nên các cháu cũng phải bươn trải khắp nơi, mỗi khi biểu diễn cũng rất khó tập trung được các cháu bởi ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Rồi kinh phí cũng có hạn, khó khăn trong việc đi diễn hay sửa chữa con rối, mua săm phụ kiện. Cứ đà này tôi sợ môn múa rối nước sẽ mai một dần", ông Mạnh lo lắng.

img

Những con rối hàng lưu niệm do các con gái ông Phan Văn Mạnh chế tác.

Đầu tháng 3 vừa qua, ông đón tiếp một đoàn chuyên gia văn hóa Nhật Bản về tận nhà ông tìm hiểu về múa rối nước truyền thống Việt Nam. Ông tâm sự: "Nhật Bản cũng có bộ môn múa rối lâu đời, chủ yếu là múa rối cạn nhưng họ rất chú trọng gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như tìm hiểu những bộ môn nghệ thuật tương tự tại các quốc gia trên thế giới".

Cũng theo ông Mạnh, ông muốn giữ nghề chủ yếu bởi truyền thống gia đình và niềm đam mê. Ông kể rằng trước kia địa phương cũng có một đoàn múa rối, sau tự giải tán do không có kinh phí, con rối, phụ kiện hư hỏng không được sửa chữa.

"Giờ tôi đang động viên và truyền nghề cho mấy đứa cháu trong họ sinh sống tại quê nhà", ông Mạnh nói.

Ngoài việc duy trì và phát triển môn múa rối nước, hiện nghệ nhân Phan Văn Mạnh đang giữ chức Bí thư chi bộ thôn Rạch Trung. Là một cán bộ mẫn cán và gương mẫu, những ngày này, dù lịch diễn đầu Xuân tương đối bận nhưng ông vẫn tất bật chuẩn bị giấy mời, lo hội trường... cho Đại hội chi bộ thôn sắp tới.