1. Nhiều năm trước xem bộ phim Những người thợ xẻ, thấy thú vị vì từ một truyện ngắn hay và giàu chất văn học vào loại nhất của Nguyễn Huy Thiệp, khi chuyển thể phim truyện thì đã hình sự hóa từ kịch bản trở đi, nhất là cách diễn của nhân vật chính - Bường. Khiến Những người thợ xẻ văn học đã hóa Vụ án Những người thợ xẻ điện ảnh. Vừa qua, cuộc khai tử hàng loạt cây xanh ở Hà Nội khiến những người chủ sự phải đối đầu dư luận sục sôi, cũng có thể coi như một Vụ án những người thợ xẻ, đương nhiên thợ xẻ theo nghĩa rộng, không chỉ trực tiếp chặt cây.
Thông tin trên báo, việc chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm...về cơ bản đã hoàn tất. Với 451 cây. Mới nhất, lãnh đạo thành phố lệnh tạm dừng chặt cây nhưng về cơ bản, đại dự án này cũng không thay đổi nhiều lắm. Theo kế hoạch, riêng trong năm nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ thay thế, cắt, tỉa, chặt hạ 4.340 cây trên 63 tuyến phố.
Việc xuất hiện biển trưng cầu ý kiến ghi “cây dự kiến đánh chuyển; cây trồng mới” lẽ ra phải làm từ đầu và đầy đủ hơn, song song với những việc khác nhằm công khai minh bạch đề án rúng động này. Từ 7 chục tấm biển, cũng lập tức xuất hiện thắc mắc và kiến nghị hợp lý: “Cần đánh số hoặc mã số mỗi biển, tiện mô tả cây cần góp ý”. “Nên thành lập hội đồng đánh giá, chứ đeo biển rồi chặt, ai kiểm chứng?”.
Theo bên công ty công viên, nếu không có ý kiến phản đối, cây sẽ được sớm đánh chuyển, thay thế. Dân thắc mắc: Lấy ý kiến qua điện thoại thì ai giám sát? Yêu cầu lập trang web trưng cầu dân ý để toàn dân theo dõi và giám sát. Với mỗi cây dự kiến “đánh chuyển”, lẽ ra phải thông tin về tình trạng của cây để dân nắm được lý do bị chặt hạ. Và gắn biển thì nên gắn thêm số điện thoại, có phải ai cũng ngồi đọc báo đâu mà biết để gọi. v.v...
Tóm lại, cuộc chiến đấu này cứ là còn dài hơi, với những ai đau đáu, bức xúc con số 6700. Qua đó mới thấy “chặt cây không phải hỏi dân” xứng đáng là lập ngôn của năm. Có báo làm cuộc trưng cầu, trong 3 mục ý kiến để độc giả tích vào, có mục “Chặt cây không phải hỏi dân” (!)
Cũng chẳng lạ khi dịp này, những bản nhạc chế mau mắn ra đời, chẳng hạn về Hà Nội mùa này vắng những cây xanh, thanh niên ôm đàn lên mạng hát mà không cười: Hà Nội mùa này chiều luôn buông nắng/Phố vắng nghiêng nghiêng vì không cây/ Quán cóc liêu xiêu vì không cây/Hồ Gươm, Hồ Tây bốc mùi/Hà Nội mùa này lòng không muốn nhớ...
2. Có người khen “chặt cây xong nhìn Hà Nội rộng hẳn”. Rộng và thoáng, chắc thế. Nhớ ngày xưa nhà ở phố Huế, nhà bên cạnh bán vàng. Trước cửa có cây hoa sữa cổ thụ. Ngày nọ thấy gốc cây đều đều được đổ vôi, nước muối. Ít lâu cây chết. Hóa ra họ muốn mặt tiền thoáng hơn, người đi bộ tận bên kia đường cũng có thể thấy cửa hàng của mình. Quả nhiên cây chết xong, vỉa hè trống hoác. Cứ nghĩ sao họ chỉ nghĩ cái lợi bé nhỏ, mà chưa chắc đã lợi. Hà Nội bao nhiêu hàng vàng nhưng một “hàng vàng có cây hoa sữa trước nhà” thì đâu dễ.
Ai đó đã quên chứ cây cối đối với người Việt cực kỳ gắn bó, có đời sống tâm linh thực sự, thậm chí đôi khi còn là mê tín. Theo học giả Toan Ánh, người ta rất tránh bất kính với cây. Ví dụ, trong lúc hái hoa sen thì không được cãi nhau hoặc nói lời thô tục, nếu không đầm sen sẽ tự lụi và nhà chủ sẽ chịu những sự không may. Hay cây trầu không rất khó trồng và dễ chết nên ban đêm kiêng cho người ngoài hái lá trầu. Nếu cần hái thì người nhà ra hái, trước khi hái phải nói “Ta là chủ mi đây đừng sợ, ta hái mấy lá!”. Nhà trồng cây cau và cây dừa, nếu trong nhà có người chết thì những cây này cũng phải để tang, quấn quanh thân một miếng vải hoặc miếng giấy trắng. Nếu không chúng sẽ héo dần mà chết theo. Vân vân.
Người Nga có câu “Mỗi người trong đời ít nhất nên trồng một cái cây, viết một cuốn sách và làm mối cho một người”. Nhiều khảo dị nhưng đều có “trồng một cái cây”. “Mùa xuân là tết trồng cây/làm cho đất nước càng ngày càng xuân” nay được dân Hà Nội tự trào “Mùa xuân là tết chặt cây”, một vết nhơ của Hà Nội, của chính quyền thành phố những ngày này. Nguyễn Quang Thiều, tác giả của những tác phẩm có cái tựa rất gợi như Kẻ ám sát cánh đồng nói mà không sợ quá lời rằng: “Chúng ta cần những cái cây như cần một con người có tâm hồn đẹp. Những cái cây cổ thụ đối với nhiều nước trên thế giới là một di sản thiên nhiên, còn đối với chúng ta chỉ là một đống củi”. Và hành động cắt xẻ một cách vô cảm những cây cổ thụ làm anh nhớ bài thơ Hồi ức tháng 7 viết đã lâu với những câu như:
Chúng ta nằm bên nhau cắt chéo chiếc giường
Những cái cây bị quật đổ sau bão
Và trong mơ chúng ta thấy những gã thợ xẻ đeo mặt nạ
Đang bật những dây mực dọc thân thể chúng ta
Trong im lặng tuyệt đỉnh, những gã thợ xẻ chúng ta thành những mảnh thẫm đỏ...