Xây chung cư ở… nông thôn Bắc Bộ
Tiếp nối các bản nghiên cứu đã hoàn chỉnh trước, ông Nhương cũng rất quan tâm đến vấn đề tam nông và ông lại tiếp tục lao vào nghiên cứu “đề tài” mang tên “Ý tưởng quy hoạch đồng bằng Bắc Bộ”. Ông kể: “Tôi đã có hơn 30 năm sinh ra và gắn bó ở mảnh đất Hải Hậu (Nam Định), nên tôi hiểu rất rõ về quê mình nói riêng, cả vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung”.
Đến nay, ông Nhương đã hoàn thành tổng cộng 5 đề tài “nghiên cứu khoa học”. |
Theo nghiên cứu của ông Nhương, sở dĩ nền nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ còn nhỏ lẻ, manh mún, mãi không tìm được hướng ra khả dĩ là nằm ở khâu quy hoạch. Do manh mún, nhỏ lẻ nên không thể đưa các loại máy móc, thiết bị hiện đại vào đồng ruộng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thật tiên tiến vào quá trình sản xuất.
Trước những vấn đề như vậy, ông Nhương bắt đầu đi “khảo sát” thực tế ở khắp các vùng quê ở Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên. Qua quá trình “khảo sát” đó, ông Nhương cho rằng: Nếu quy hoạch được, sẽ đưa các hộ gia đình nằm rải rác ngoài cánh đồng về ở một ngôi nhà chung, nhờ đó tăng thêm được rất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và những khu ruộng ấy cũng dồn thành những khu vực đất đai rộng lớn để đưa máy móc lớn, hiện đại vào sản xuất.
Theo “quy hoạch” của ông Nhương: Toàn bộ nông dân của một xã sẽ được đưa về ở trong một khu chung cư xây dựng theo chuẩn tiên tiến nhất với các tiêu chuẩn: Phải có vị trí địa lý hành chính phù hợp với mạng lưới giao thông thủy lợi của từng địa phương cụ thể; phải có số tầng phù hợp với khả năng địa chất, có số phòng đầy đủ cấp cho số hộ dân của chính xã đó.
Diện tích mỗi phòng khoảng 75m2 với đầy đủ các thiết bị phục vụ sinh hoạt cho từng hộ gia đình như phòng ở, phòng ăn, công trình phụ, phòng học và có đủ điện, nước, khí đốt cùng các đồ dùng sinh hoạt cấp thiết khác.
Ông Nhương cho biết: “Ý tưởng như trên của tôi, trong thời điểm này có thể bị cho là… điên, nhưng tôi vẫn sẽ kiên trì nghiên cứu thêm, bởi đã nghiên cứu tức phải nhìn xa, trông rộng. Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, chắc chắn đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải xây chung cư cho nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ để lấy diện tích sản xuất và ý tưởng nghiên cứu của tôi là để áp dụng cho 50-70 năm sau”.
Nghiên cứu không phải cho… vui
Cho đến nay, ông Nhương đã hoàn thành tổng cộng 5 đề tài “nghiên cứu khoa học”. Ngoài các đề tài như đã trình bày, ông còn có 3 đề tài khác là: “Nghiên cứu mất cân bằng giới tính”, “Bản kế hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân theo phương pháp khoa học”, “Một số góp ý vào giáo dục nước ta”. Mỗi “công trình” đều được ông dành ra khoảng 2-3 tháng đi nghiên cứu, viết và thậm chí làm cả thực nghiệm.
Cũng kể từ khi hoàn thành các “công trình” này ông đã liên tục gửi hàng chục bản kiến nghị, hồ sơ lên UBND cũng như Sở KH-CN Đăk Nông đề nghị xem xét nghiệm thu hoặc phối hợp nghiên cứu tiếp, góp phần sớm đưa những ý tưởng tốt đẹp đó vào cuộc sống. Thế nhưng, dù đã gửi nhiều lần, nhưng ông vẫn chưa nhận được hồi âm.
Ông Nhương tâm sự: “Tôi viết những ý tưởng ấy không phải do lẩn thẩn hoặc viết cho vui, mà tôi mong muốn góp một phần công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cùng nhân dân cả nước nhanh chóng đưa nước ta phát triển”.
Lê Hân