Gia đình chị Trần Thị Nở về khu tái định cư xã Lộc Vĩnh sinh sống từ năm 2008 sau khi nơi ở cũ bị giải tỏa để thi công công trình khu phi thuế quan. Chị Nở cho biết, ở nơi ở cũ, nhờ gần biển lại có đất đai rộng nên kinh tế gia đình chị ổn định vì vừa làm nghề chài lưới, vừa phát triển chăn nuôi.
Cuộc sống của vợ chồng chị Nở khốn đốn vì từ khi về khu tái định cư không có đất để sản xuất. |
Sống khổ
Từ ngày về khu tái định cư, gia đình chị Nở không còn đất đai để chăn nuôi, làm biển cũng không được do khu tái định cư cách biển quá xa. "Họ hứa sẽ tạo điều kiện để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, nhưng cuộc sống ngày càng bi đát. Trước đây, tui cầm bạc triệu trong tay, nhưng giờ thất nghiệp nên không có đủ tiền để đong gạo hàng ngày"- chị Nở thở dài.
Chị Trần Thị Nở
Cạnh đó, gia đình ông Lê Công Yêm với 7 miệng ăn cũng khốn đốn từ ngày về khu tái định cư (tháng 6.2008). Ông Yêm cho biết, khi di dời khỏi nơi ở cũ, gia đình ông được đền bù hàng trăm triệu đồng. Nhưng do về khu tái định cư không đất đai, nghề nghiệp để kiếm sống nên gia đình ông đã tiêu sạch tiền đền bù.
"Chừ để có gạo ăn thì phải làm thuê cho các dự án, nhưng kiếm việc làm thuê cũng rất khó, vì hầu hết dự án trên địa bàn đều là dự án treo"- ông Yêm rầu rĩ.
Hoàn cảnh của gia đình chị Nở và ông Yêm cũng là cảnh ngộ chung của 56 hộ dân ở khu tái định cư xã Lộc Vĩnh. Ngoài việc không đất đai, nghề nghiệp để kiếm sống, người dân ở đây còn chịu cảnh không có chợ, trường học và nhiều công trình quan trọng khác. Bà Võ Thị Bê - người dân ở đây, cho biết, việc học của trẻ em trong khu tái định cư đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi không có trường lớp tại chỗ khiến trẻ phải đến nơi khác học chữ.
Đem con bỏ chợ ?
Ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết: Để giải quyết bức xúc của người dân ở khu tái định cư về tình trạng không có đất sản xuất, vừa qua, xã đề xuất huyện cấp 10ha đất nông nghiệp hoang hóa do nhiễm mặn cho người dân cải tạo để sản xuất. Tuy nhiên, qua khảo sát của Phòng NNPTNT huyện Phú Lộc, phương án này không thể triển khai do diện tích đất trên không có nguồn nước để rửa mặn. Phương án cấp đất sản xuất bế tắc, xã tiếp tục đề xuất huyện cho người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông Bù Lu để cải thiện kinh tế, nhưng đến nay đề xuất này chưa được chấp thuận.
Theo ông Ga, trong quy hoạch, khu tái định cư này có các công trình như trường tiểu học, trường mầm non, chợ, cảng cá. Trong đó, các công trình chợ, cảng cá sẽ góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu việc làm cho người dân nơi đây. Nhưng đến thời điểm hiện tại những công trình trên vẫn chưa được chủ đầu tư xây dựng. "Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô giải thích rằng do dân ở khu tái định cư chưa đông đúc nên nếu xây dựng các công trình trên thì công trình sẽ không phát huy hiệu quả"- ông Ga kể.
Thông thường việc chuẩn bị đất đai sản xuất cho người dân và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng khu tái định cư phải hoàn thành trước khi đưa dân đến sinh sống. Nhưng ở khu tái định cư xã Lộc Vĩnh, việc tổ chức tái định cư cho người dân đã được các cơ quan liên quan thực hiện theo quy trình ngược. Chính cách làm "đưa con bỏ chợ" này đã đẩy đời sống của người dân ở khu tái định cư đến chỗ cùng cực.
An Sơn