Dân Việt

Vụ Thạch Sanh cởi truồng: Quá nản nhà xuất bản!

23/03/2015 08:31 GMT+7
Vụ truyện cổ tích Thạch Sanh có chi tiết mẹ nhường quần trước khi chết để Thạch Sanh không phải cởi truồng nữa đang trở thành đề tài bàn tán rôm rả trong cộng đồng mạng, trên các diễn đàn, báo mạng. Những truyện tranh dành cho thiếu nhi có hình ảnh không phù hợp lứa tuổi cũng bị soi lại.

Trong cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Ðồng tái bản tháng 10-2014 có truyện cổ tích về Thạch Sanh. Nhưng một số đoạn trong truyện này lại xuất hiện chi tiết không phù hợp trẻ em.

Đáng bàn cãi nhất là đoạn viết mẹ Thạch Sanh trước khi chết nhường quần lại cho con trai: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm - Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.

img

Một đoạn khác miêu tả cảnh Thạch Sanh giết chằn tinh bằng ngôn từ bạo lực: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu chằn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

Các phương tiện truyền thông đưa tin Cục Xuất bản có công văn gửi Nhà xuất bản Kim Đồng ngày 20.3 để yêu cầu thẩm định lại nội dung, đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách và có văn bản báo cáo trước ngày 2.4.

Ngay sau đó, chuyện này trở thành chủ đề chỉ trích trên mạng, các diễn đàn và bạn đọc của các báo mạng khác: “Chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Sai từ năm này qua năm nọ, ngán từ năm nọ qua năm kia…” – bạn đọc Quang Ha viết; “Phản cảm thì sao có tác dụng giáo dục trẻ em?” – bạn đọc Trần Quang Dinh viết;

“Đề nghị cơ quan chức năng vào làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể cho phát hành cuốn sách. Cần thiết phải cách chức, cho thôi việc những người làm việc tắc trách, cẩu thả khi cho phát hành cuốn sách trên để làm gương cho người khác. Chúng ta đừng để cho những kẻ không có trình độ làm hỏng các thế hệ tương lai” – bạn đọc Văn Hùng viết; “Mẹ Thạch Sanh cũng bị "bắt" cởi truồng luôn à? Dã man quá anh "Xuất bản Kim Đồng" ơi!” – bạn đọc Le Hung; “Chẳng trách học sinh bây giờ bảo Trần Hưng Đạo đánh Tây, kháng Nhật” – bạn đọc Nguyễn Tùng; “Ối trời ơi! Thạch Sanh "nude vì môi trường" – bạn đọc Lê Văn viết; “Riết rồi không hiểu nổi, các vị làm việc có đầy đủ ban bệ mà như thế thì chỉ còn biết kêu trời. Học cao quá nên các vị viết toàn là trên mây. Chỉ tội nghiệp mấy đứa trẻ.!” – bạn đọc Nguyễn Hùng Cường viết…

Bên cạnh đó, một số cư dân mạng bày tỏ sự thất vọng, họ chán nản: “Nhà xuất bản này chắc còn tuổi ô mai nên dùng ngôn ngữ rất teen nhưng tốt nhất nên tránh xa loại sách này”…

Cũng liên quan đến sách, trước đó, nhiều phụ huynh có con em đang theo học lớp 5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã băn khoăn và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm).

img

Cụ thể trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?.

"Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết".

Do có nhiều chi tiết khác với truyền thuyết nên đoạn văn viết về Thánh Gióng tạo dư luận trái chiều. Một số người cho rằng không nên dẫn đoạn văn trên vào sách nhưng số khác lại ủng hộ.