Cũng theo ông Thanh, việc phong danh nghệ nhân chỉ nên đưa ra 3 tiêu chí. Thứ nhất là nắm rất vững, có thể nói là người đầu đàn về một giá trị văn hóa nào đó, ví dụ hát ví, bài chòi được nhân dân tôn sùng. Ví dụ, người ta vào làng hỏi một ai đó rằng tôi muốn hỏi ở làng ai hát ví giỏi, chắc chắn cộng đồng sẽ trả lời.
Như vậy, có thể hiểu bà B, ông A nào đó mà cộng đồng nhắc đến được phong nghệ nhân là xứng đáng, vì họ đã được cộng đồng tôn vinh. Tiêu chí thứ hai là truyền dạy tại chỗ cho học trò. Đã là nghệ nhân thì phải có người nối dõi, có thể đó là con cháu các cụ, cũng có thể những người các cụ thấy có khả năng.
Tiêu chí thứ ba, các cụ phải đồng ý để được phong danh nghệ nhân. Chúng tôi đặt vấn đề họ đồng ý thì mình mới tôn vinh họ, chứ không phải cứ thấy ai đủ điều kiện thì phong danh nghệ nhân cho người đó.
Nghị định số 62/2014 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, gồm các tiêu chí: Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thểcủa địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hoá phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên...
Như vậy là làm khó cho các nghệ nhân. GS.Tô Ngọc Thanh gay gắt: Ai lại đặt tiêu chí nghệ nhân phải đủ 15 năm hành nghề. Người ta có hành nghề đâu? Đó là người ta phục vụ đời sống văn hóa cho dân làng, chứ không phải người ta kiếm sống. Lấy chữ hành nghề là giống xét Nghệ sĩ ưu tú rồi!
Về vấn đề này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng: Do tính đặc thù riêng biệt, xét danh hiệu nghệ nhân không thể máy móc như đối với danh hiệu dành cho giới nghệ sĩ. Bản thân nhiều nghệ nhân tuổi đã rất cao, đôi khi cá biệt có những trường hợp còn không biết chữ nên riêng chuyện viết hồ sơ, báo cáo thành tích với họ là vấn đề nan giải.
Hoặc những quy định nghệ nhân nhân dân thuộc lĩnh vực nghề thủ công mỹ thuật phải truyền dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên trừ trường hợp nghề đặc thù” cũng được coi là cứng nhắc, khó áp dụng. Thậm chí đòi hỏi phải có sản phẩm tham gia triển lãm, được huy chương cũng có thể là bất khả kháng với những nghệ nhân dân gian sở hữu đôi bàn tay và khối óc tài hoa nhưng cả đời lại chưa bước qua lũy tre làng.
Để khắc phục bất cập của Nghị định, theo GS. Ngô Đức Thịnh chỉ biết trông đợi vào sự uyển chuyển, chủ động linh hoạt của hội đồng các cấp để tránh thiệt thòi cho những cá nhân xứng đáng. Còn PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ quan điểm, không có con mắt nhìn nhân văn thì không thể vinh danh được "người giữ lửa” của những di sản văn hóa phi vật thể.