Dân Việt

Dân làm và Bộ trưởng xử lý

Chân Tâm 24/03/2015 06:55 GMT+7
“Muốn có kết quả nhanh đưa 200.000 đồng, không thì phải đợi 10 ngày nữa”, đó là câu nói của nữ điều dưỡng viên khoa Nội soi - Bệnh viện U bướu Trung ương với  bệnh nhân...

Nữ điều dưỡng viên không biết rằng, vụ vòi tiền đã bị người nhà bệnh nhân quay clip và tung lên mạng.

Điều đáng ghi nhận ở đây là Bộ Y tế lập tức vào cuộc để làm rõ vụ việc. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện để xác minh thông tin. Ngày 22.3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Bệnh viện cắt hợp đồng với điều dưỡng viên có hành vi sai phạm này.

img
Người nhà bệnh nhân bức xúc vì y tá bệnh viện K "vòi" tiền (Ảnh chụp từ clip)

Còn nhớ năm 2012, trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình trạng y – bác sĩ nhận tiền “hối lộ” của bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi”. Sau phát biểu này, có nhiều ý kiến cho rằng, khó mà chụp được ảnh nhận phong bì để tố cáo, vấn đề là ngành y tế phải chấn chỉnh y đức, đó mới là cái gốc của vấn đề.

Từ đó đến nay, chưa có nhiều người chụp ảnh, ghi hình bác sĩ hay điều dưỡng nhận tiền, chỉ nghe những lời bức xúc.

Đúng là ngành y cần phải chấn chỉnh y đức, nhưng sự tham gia của cộng đồng cũng góp phần quan trọng trong hoạt động chấn chỉnh y đức. Thời đại ngày nay, công nghệ kỹ thuật hỗ trợ cho mỗi người thực hiện “nghiệp vụ” phóng viên. Nhiều hành động xấu xa, những hành vi sai phạm của cá nhân hay tập thể từng bị ghi lại và đưa lên mạng xã hội, cũng từ đó, báo chí chính thống mới biết đến, thậm chí công an có cơ sở để vào cuộc.

Trong các bệnh viện cũng vậy, nếu như bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân bị y- bác sĩ vòi tiền, thì có thể ghi âm hoặc ghi hình lại, như trường hợp vừa nêu trên. Nhiều người bị tố cáo và bị xử lý nghiêm, thì sẽ có tác dụng răn đe, những người thường nhận tiền của bệnh nhân sẽ sợ bị tố cáo có chứng cứ, tệ nạn này mới giảm được.

Đa số y - bác sĩ đều làm việc có trách nhiệm, có phẩm chất, nhưng cũng tồn tại những trường hợp y đức kém. Vậy thì cộng đồng hãy tích cực hỗ trợ ngành y nâng cao y đức bằng chính sự vào cuộc của mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế xử lý nghiêm trường hợp nữ điều dưỡng viên sai phạm là thực hiện đúng cam kết từng đưa ra cách đây hơn hai năm. Chưa cần nhận hình ảnh người tố cáo gửi trực tiếp, chỉ từ thông tin trên mạng xã hội là bộ trưởng chỉ đạo xác minh và chỉ đạo giải quyết. Quyết liệt như vậy, dân mới phục, nhân viên trong ngành mới sợ.