Công Phượng là thế hệ hậu sinh, chỉ xứng là học trò của Kiatisuk. Bởi thế, con đường bước vào nghiệp “quần đùi áo số” của 2 người khác xa nhau, nếu chưa nói hoàn toàn trái ngược. Cũng dễ hiểu thôi bởi mỗi thời một khác.
Hai cuộc đời, một trái bóng
So với bậc tiền bối, Công Phượng có quá nhiều điều kiện để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Năm 11 tuổi, Phượng đã được vào Học viện HAGL Asenal IMG và theo học giáo trình bóng đá hiện đại.
Ngoài được đào tạo bài bản, tiếp cận với những bài học về kỹ năng chơi bóng, cũng như bao đồng đội khác, Phượng có một môi trường sống và học tập hoàn hảo tại HAGL. Trước khi trở thành ngôi sao của U23 Việt Nam, Công Phượng có một bước đệm quá tuyệt vời là khoác áo U19…
Trong khi đó, theo như tự truyện của Kiatisuk Senamuang, Zico Thái phải đến cuối năm lớp 12 mới có cơ hội thi đấu cho đội tuyển tỉnh Khonkaen để tham dự giải Đại hội TDTT toàn quốc.
Giấc mơ trở thành tuyển thủ của Kiatisuk thực sự được hun đúc từ đó. Nhưng con đường để anh thực hiện giấc mơ quá trắc trở. Học xong phổ thông, thi trượt Đại học, Kiatisuk không nói lời từ biệt gia đình rồi một mình xách ba lô lên Bangkok kiếm tìm cơ hội đá bóng.
Và rồi cuối cùng, cuộc đời đã mỉm cười với Kiatisuk khi anh được tuyển vào U19 Thái Lan.
Song, giữa Công Phượng và bậc tiền bối Kiatisuk có điểm chung là niềm đam mê chơi bóng và những tố chất trở thành ngôi sao, tố chất của thần đồng. Trong những năm tháng vinh quang của sự nghiệp, Kiatisuk cũng từng gắn bó với HAGL ở vai trò cầu thủ lẫn HLV. Con đường trở thành một ngôi sao lớn của bóng đá Đông Nam Á như Zico Thái là không hề đơn giản.
Kiatisuk – tấm gương cho Công Phượng
Không chỉ là Công Phượng, Kiatisuk Senamuang xứng đáng là tấm gương cho nhiều cầu thủ Đông Nam Á khác.
Bóng đá Đông Nam Á thế hệ Kiatisuk có rất nhiều biểu tượng. Trong đó, bóng đá Việt Nam có những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Sỹ Hùng. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận rằng Kiatisuk Senamuang là biểu tượng lớn nhất trong thế hệ vàng bóng đá Đông Nam Á thời đó.
Công Phượng (phải) đang nỗ lực từng ngày để khẳng định mình với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp
Đẳng cấp chơi bóng của Kiatisuk có lẽ khỏi bàn bởi anh hội tụ gần như đầy đủ những tố chất thiên bẩm, từ kỹ chiến thuật cho đến nét hào hoa trong mỗi pha xử lý bóng. Màn ăn mừng bằng những cú santo điệu nghệ của Zico Thái cũng đã trở thành thương hiệu.
Nhưng quan trọng hơn cả, một Kiatisuk đầy nghị lực vươn lên, luôn đề cao tính chuyên nghiệp và chuyên nghiệp, đặc biệt hơn là một con người lịch thiệp, sâu sắc, khiêm tốn, đã giúp anh trở thành biểu tượng xứng đáng của bóng đá Đông Nam Á.
Nhờ sự chuyên nghiệp và tài năng hội tụ đã giúp Kiatisuk trở thành nhà cầm quân thành công, đầy triển vọng so với thế hệ của anh ở trong khu vực. Chức vô địch AFF Cup 2014, tấm vé vào bán kết Asian Games 17 cùng đội tuyển Thái Lan là minh chứng cho năng lực của Kiatisuk. Liệu đến bao giờ những Huỳnh Đức, Hữu Thắng… của Việt Nam mới có thể làm được như Kiatisuk?
Công Phượng muốn trở thành biểu tượng mới của bóng đá Đông Nam Á, trước tiên phải là biểu tượng của bóng đá Việt Nam. Tức là, Phượng cần phải giàu nghị lực hơn nữa để vượt qua mọi áp lực và đạt được những thành tích như các bậc tiền bối Huỳnh Đức (3 Quả bóng vàng), Nguyễn Hồng Sơn (2 Quả bóng vàng), Công Vinh (3 Quả bóng vàng), và sau đấy mới nói tới khả năng chạm tới đẳng cấp như Kiatisuk!