Năng suất giảm tới 40%
Ông Trần Hữu Thắng - người được mệnh danh là người trồng tiêu giỏi nhất thế giới (ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho phóng viên NTNN biết, giá thu mua tiêu đen hiện đã đạt mức kỷ lục là 205.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá tiêu gần như tăng thêm mỗi ngày 5.000 đồng/kg. Dù giá tiêu tăng cao nhưng theo ông Thắng, không nhiều nhà vườn tận dụng được cơ hội “hốt bạc” từ cây tiêu này.
Ông Thắng cho rằng, giá tiêu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay là do sản lượng tiêu năm nay sụt giảm mạnh. Nhiều vườn tiêu ở Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước... năng suất giảm từ 50 – 60% so với vụ trước, thậm chí nhiều nơi vườn cây trơ cội, nhà vườn coi như mất trắng. “Đầu năm ngoái, khi vườn tiêu vừa thu hoạch xong thì gặp mưa nhiều, cây chưa kịp nghỉ ngơi đã trổ hoa. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, trời trở nắng nên hoa rụng rất nhiều, năng suất giảm hẳn, thấy giá lên như thế nhiều bà con tiếc đứt ruột” - ông Thắng giải thích.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng cho biết, khảo sát của VPA tại các tỉnh trồng tiêu vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đều cho thấy tình trạng sụt giảm sản lượng nghiêm trọng. Tại một số vườn tiêu ở ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, nhiều vườn tiêu có tuổi đời trên 10 năm năng suất giảm tới 30-40% so với vụ 2014. Những vườn tiêu trồng mới trong vòng vài năm trở lại đây cũng giảm sản lượng khoảng 10%.
Năng suất vườn tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên cũng sụt giảm mạnh. Chủ trang trại Thu Thủy (xã Nam N’Jang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông) cho biết, đơn vị này có 30ha trồng tiêu, năm 2014 thu hoạch được khoảng 18 tấn nhưng sang năm 2015 chỉ còn thu hoạch được khoảng 10 tấn.
Khô hạn đe dọa
Không chỉ sụt giảm sản lượng, dù mới đầu mùa khô nhưng đã thiếu nước tưới, khô hạn đe dọa nhiều vườn tiêu ở vùng Đông Nam Bộ.
“Vua tiêu” Trần Hữu Thắng cho biết, thông thường khoảng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, các vườn tiêu tại huyện Xuân Lộc mới bắt đầu có dấu hiệu khô cằn, thiếu nước tưới. Tuy vậy, năm nay vừa sau tết, mực nước ngầm trong khu vực đã giảm mạnh. Ông Thắng cùng nhiều nhà vườn khác trong vùng phải khoan thêm giếng ngầm để lấy nước. Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ - ông Phan Thanh Xứng cho biết, cả xã hiện có hàng ngàn giếng khoan, chủ yếu phục vụ tưới vườn tiêu. Việc khoan giếng với mật độ dày đặc cũng đã ảnh hưởng tới mạch nước ngầm, đe dọa thiếu nước trầm trọng trong tháng 5, tháng 6 tới.
Trong khi đó, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương này đang có kế hoạch đưa nước từ sông La Ngà về phục vụ nhu cầu nước tưới cho các xã có diện tích tiêu lớn ở huyện Xuân Lộc. “Nhà vườn trồng tiêu trong vùng cũng đã được thông báo kế hoạch bổ sung nguồn nước tưới từ sông La Ngà, nhưng mọi việc hiện vẫn còn trên dự án, nhiều hộ phải khoan nước ngầm để tưới do sợ tiêu chết khô” - ông Thắng nói thêm.