Họ cho rằng, khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm họ yên lòng bởi sắp tới, những “uẩn khúc” và trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc sẽ được làm rõ.
Ông “Lâm khóa” đã mưu sinh ở đây 50 năm và gần 20 năm gắn bó với cây sưa đỏ trên phố Hàng Dầu.
Mưu sinh dưới gốc cây
Ngày nào cũng vậy, cứ xong buổi tập thể dục sáng, ông Lâm lại dọn đồ nghề ra cạnh gốc cây sưa trên phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm) để mưu sinh. Người ta gọi ông với cái tên gần gũi là “Lâm khóa” vì ông đã sửa, cắt chìa khóa ở đây đã ngót nghét 50 năm. Gốc cây sưa đỏ cạnh chỗ ông ngồi cũng đã gần 20 năm tuổi. Gắn bó, mưu sinh dưới gốc cây hàng chục năm trời nên khi được hỏi về chuyện chặt hạ cây xanh ở Thủ đô thời gian qua, ông Lâm không giấu được vẻ bùi ngùi: “Tôi quê gốc Hà Nam, lên Hà Nội lập nghiệp từ thời giải phóng Thủ đô. Mấy hôm nay, xem vô tuyến và đọc báo thấy thành phố chặt cây xanh, tôi buồn quá. Gần 20 năm bên cạnh gốc cây này, nó với tôi chẳng khác nào đôi bạn tri kỷ. Nắng, mưa, bão bùng, buồn vui... và bao chuyện đổi dời của cá nhân tôi đều gắn bó với gốc cây thân thương này”.
Nói rồi, ông chỉ lên tán cây đang xanh mơn mởn: “Cây này là sưa đỏ. Mặc dù thân nó đang bé bằng bắp đùi người lớn thôi nhưng còn giá trị hơn cả cây sưa trắng kia. Ngày trước, khi “cây tặc” hoành hành chặt trộm sưa đỏ, tôi đã đứng ngồi không yên. Nay gốc cây này vẫn còn đó, còn “đồng loại” của nó ở một số tuyến phố khác đã bị chặt hạ rồi. Nói dại chứ, nhỡ một ngày cái cây này cũng bị... giải tỏa thì tôi buồn lắm. Dưới gốc sưa này, cũng có một thanh niên làm nghề sửa giày dép. Hai chúng tôi ngày nào cũng đồng hành với nhau. Nhờ có bóng mát của cây nên cũng đỡ”.
Ở Hà Nội, có nhiều gốc cây sống hàng trăm, hàng nghìn năm. Nó gần như là máu thịt, là lịch sử của mỗi người dân quanh đấy. Tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), hiện có gần chục gốc đề cổ thụ. Nhiều người già quanh khu vực này cho biết, đường Hoàng Hoa Thám vốn là đường đê của kinh thành xưa. Những gốc đề ở đây có thể được trồng từ thời Lê để giữ đê vì rễ đề bám sâu, giúp đê vững chắc, ngăn lũ lụt, bảo vệ kinh thành.
Khi chúng tôi có mặt ở gốc đề “khổng lồ” trước số nhà 628 Hoàng Hoa Thám - nơi mà nhiều người vẫn quen gọi là “thần đề” - chị An (chủ một vườn lan) cho biết, ngày nào cũng vậy, chị lại chở lan từ vườn ra treo ở gốc cây này. Đến nay, thấm thoắt cũng đã 17-18 năm chị An mưu sinh dưới gốc “thần đề”. Giữa nhánh và thân “thần đề” có một miếu thờ nhỏ, chị An bảo: “Những hộ dân xung quanh đặt một miếu thờ nhỏ gọi là thờ “thần đề”, để tỏ lòng tri ân “thần đề” đã che chở lúc nắng, khi mưa, cũng như chứng kiến bao sự đổi thay của đời người dưới tán đề xanh mướt”. Nhắc đến chuyện hàng loạt cây xanh bị chặt hạ, chị An chùng giọng: “Việc mưu sinh của tôi và nhiều người gắn bó với những gốc cây ở Hà Nội ắt hẳn sẽ phải thay đổi, nhưng chúng tôi băn khoăn rằng, tại sao nhiều cây đang đẹp thế mà lại chặt đi? Tiếc quá”.
Phải xử lý nghiêm túc
Chị An cũng mưu sinh 18 năm bên gốc “thần đề” trên đường Hoàng Hoa Thám. Ảnh: H.N
Tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 23/3 về chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, dư luận bức xúc trước việc cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là có lý do chính đáng. Nguyên nhân được Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ là do cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước những hệ quả do việc làm của mình gây ra. Trong đó có sự nôn nóng và giản đơn, cho dù chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn và thành phố đã thực hiện có kết quả trong nhiều năm qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đơn vị liên quan phải thể hiện tinh thần nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận lại từng vấn đề, từng việc đã làm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm, từ đó rút kinh nghiệm chung. Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, trước mắt cần phải dừng cải tạo, thay thế cây để đánh giá, rà soát, hoàn thiện tất cả các quy trình, thủ tục liên quan, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay, cây nào không, với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng.
Cùng đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Thanh tra liên ngành phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Phải kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan. Xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu “hòa cả làng”. Sau khi có kết quả thanh tra, xử lý trách nhiệm liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai cho nhân dân được biết.
Khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm người dân yên tâm. Họ cho rằng, trong khi lãnh đạo thành phố đang “nợ” hàng loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề trên, thì chỉ đạo của Bí thư Thành ủy sẽ tạo cơ hội cho người dân được tường minh những “uẩn khúc” chưa được làm rõ.