Khi những bức ảnh được nhìn nhận như những tác phẩm nghệ thuật, giá trị của nó sẽ tăng cao bất ngờ. Dưới đây là những bức ảnh đã đạt những mức giá kỷ lục:
Bức “Đôi tay của nữ họa sĩ Georgia O’Keeffe”, do nhiếp ảnh gia người Mỹ Alfred Stieglitz chụp năm 1919, đạt mức giá 1.470.000 đô la (gần 32 tỉ đồng) hồi tháng 2.2006.
Trong sự nghiệp cầm máy suốt 5 thập kỷ của mình, nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz đã góp phần thay đổi mạnh mẽ những quan niệm về nhiếp ảnh, để bộ môn này được nhìn nhận như một môn nghệ thuật hiện đại.
Bức ảnh chân dung chụp nữ họa sĩ người Mỹ Georgia O’Keeffe (vợ của nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz) đạt mức giá cao như vậy là bởi nó đã được thực hiện bởi một tay máy tiên phong, về một nữ họa sĩ tiên phong - người được mệnh danh là đã “sản sinh ra trường phái nghệ thuật hiện đại kiểu Mỹ”.
Bức “Khỏa thân”, do nhiếp ảnh gia người Mỹ Edward Weston thực hiện năm 1925. Bức ảnh được bán đấu giá hồi tháng 4.2008, đạt mức giá 1.609.000 đô la (35 tỉ đồng).
Edward Weston được đánh giá là “một trong những nhiếp ảnh gia người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với những cách tân trong nghệ thuật nhiếp ảnh”, là “một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu của thế kỷ 20”. Weston nổi tiếng nhất với những bức ảnh đặc tả chi tiết sự vật.
Bức “Pháo đài Tobolsk” do cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thực hiện hồi năm 2009. Bức ảnh được đấu giá hồi tháng 1.2010 tại thành phố Saint Petersburg và đạt mức giá 1.750.000 đô la (38 tỉ đồng). Bức ảnh do ông Medvedev chụp đã được đấu giá từ thiện để giúp đỡ những cựu chiến binh, những bệnh viện nhi…
Bức “Billy the Kid” được thực hiện khoảng năm 1879-1880, không rõ danh tính người chụp. Bức ảnh được bán đấu giá hồi tháng 6.2011 và đạt mức giá 2.300.000 đô la (50 tỉ đồng).
“Billy the Kid” (Billy trẻ con) là biệt danh của một người đàn ông Mỹ có tên William Bonney (1859-1881), một tay găngxtơ có tài bắn súng thiện xạ, sống ở thế kỷ 19, đã tham gia vào những cuộc xung đột tranh giành biên giới giữa hai bang ở miền Tây nước Mỹ.
“Billy the Kid” dù là một găngxtơ nằm ngoài vòng pháp luật nhưng lại là một chiến binh nổi danh ngoài trận tuyến. Anh ta từng là một nhân vật nổi tiếng được báo chí và văn chương Mỹ thời bấy giờ khai thác, hư cấu. Đây là bức ảnh duy nhất chụp lại chân dung nhân vật này.
Bức “Vô đề số 153” do nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Cindy Sherman chụp năm 1985. Bức ảnh được đem đấu giá tháng 11.2010 và đạt mức giá 2.700.000 đô la (58,6 tỉ đồng). Sinh thời, Cindy Sherman nổi tiếng với những bức ảnh chân dung mang đầy tính nghệ thuật.
Bức “Ánh trăng trên hồ” do nhiếp ảnh gia người Mỹ Edward Steichen thực hiện năm 1904. Bức ảnh được đấu giá hồi tháng 2.2006 và đạt mức giá 2.928.000 đô la (63,6 tỉ đồng).
Từ năm 1923-1938, Steichen là một tay máy nổi tiếng trong lĩnh vực ảnh thời trang và ảnh quảng cáo. Ở thời điểm này, Steinchen là tay máy được trả “nhuận ảnh” cao nhất thế giới. Năm 1944, ông đạo diễn bộ phim tài liệu làm về chiến tranh “The Fighting Lady” và giành được giải Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất.
Bức “Ánh trăng trên hồ” là một trong những bức ảnh màu đầu tiên được thực hiện trên thế giới. Có 3 phiên bản của bức này còn tồn tại cho tới hôm nay, mỗi bức đều có những sắc độ khác nhau. Hai bức đã thuộc quyền sở hữu của các viện bảo tàng, còn bức thứ ba này đạt được mức giá kỷ lục chính là vì sự hiếm có của nó.
Bộ hai bức ảnh “99 Cent II Diptychon” do tay máy Andreas Gursky thực hiện năm 2001, được rao bán tháng 2.2007, đạt mức giá 3.346.456 đô la (72,7 tỉ đồng). Tay máy người Đức Andreas Gursky nổi tiếng với những bức ảnh có sự phối màu ấn tượng.
Gursky thường chụp những không gian rộng lớn, vô danh và “nhân tạo”, đó có thể là một tòa nhà văn phòng, một sàn chứng khoán, một siêu thị… - những nơi mà hiếm tay máy nào tìm thấy ở đó tính nghệ thuật. Hai bức ảnh được đem đấu giá đều có kích thước “khủng” - 2.07m x 3.37m.
Bức “Sau cuộc phục kích” được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Canada - Jeff Wall, ở làng Moqor, Afghanistan, mùa đông năm 1986. Bức ảnh được đấu giá tháng 5.2012, đạt mức giá 3.666.500 đô la (79,7 tỉ đồng).
Những bức ảnh của Jeff Wall luôn chứa đựng nhiều yếu tố nghệ thuật, đồng thời, Jeff Wall cũng thường sử dụng công nghệ chỉnh sửa ảnh. Sự tự nhiên của khoảnh khắc và tính “nhân tạo” do bàn tay con người tác động vào khiến bức ảnh của Jeff Wall hiện lên như một cảnh trong bộ phim điện ảnh.
Bức “Vô đề số 96” chụp năm 1981 bởi nữ nhiếp ảnh gia Cindy Sherman. Bức ảnh được đấu giá tháng 5.2011 và đạt mức giá 3.890.500 đô la (84,5 tỉ đồng). Ở trên, Cindy Sherman đã được nhắc tới với bức ảnh chân dung “Vô đề số 153” có giá gần 59 tỉ đồng.
Bức “Rhein II” được nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky chụp năm 1999. Bức ảnh được rao bán tháng 11.2011 và có giá 4.338.500 đô la (94,3 tỉ đồng). Ở trên, Gursky đã có bộ hai bức ảnh chụp trong siêu thị, đạt mức giá gần 73 tỉ đồng.
Bức “Rhein II” này lại thể hiện một đề tài khác, cũng rất thường thấy trong ảnh của Gursky, đó là những bức tranh phong cảnh với màu sắc ấn tượng. Những chi tiết như hình ảnh con người, tòa nhà đã bị xóa khỏi bức ảnh bằng công nghệ chỉnh sửa.