Giàn giáo đã bị rung lắc
Ngoài 13 công nhân đã tử nạn thì còn lại 28 người bị thương và nhiều lao động may mắn sống sót đã kể lại vụ việc với nhiều tình tiết hết sức rùng mình. Đặc biệt, trước khi xảy ra tai nạn khoảng 30 phút nhiều công nhân đã được các công nhân thi công cảnh báo nhưng quản lý lao động (nhà thầu) vẫn không quan tâm.
Anh Trần Hiếu Thủy, trú Nghĩa Đàn (Nghệ An) – là một trong những công nhân làm việc tại công trường Formosa đang có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viên Đa khoa Hà Tĩnh với vẻ mặt thất thần, quần áo còn lấm lem bùn đất và cả những vết máu còn dính của những người thân của anh. Chưa kết kinh hoàng, anh kể lại, khoảng 20 giờ ngày 25.3 anh cùng 3 người thân bắt đầu vào làm ca, vừa lên giàn giáo thì người em của anh là Cao Xuân Hòa nói: “Anh ơi em có cảm giác như giàn giáo bị sụt anh ạ", sau đó có thêm những tiếng động lạ trên thân giàn nên lúc đó nhiều anh em công nhân đã trèo xuống chân cầu thang của giàn giáo. “Tuy nhiên, khi chúng tôi xuống giàn giáo không làm nữa thì quản đốc người Hàn Quốc khoát tay nói anh em lên để tiếp tục làm việc. Tôi quá bức xúc, bởi trước khi vào làm tại công trường dự án Formosa này chúng tôi đã phải học qua lớp ATLĐ, nên thấy vậy tôi đã rời hiện trường. Đi được khoảng 3m tôi nghe tiếng "rắc", ngoảnh đầu quay lại nhìn thì thấy giàn giáo đổ sập ngay trước mắt”- anh Thủy nói.
Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1990) quê huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị gãy xương đùi đang nằm cấp cứu tại bệnh viện cũng xác nhận: “Trước khi sập khoảng chừng 30 phút thì giàn giáo này đã bị rung lắc mạnh. Các công nhân đã báo cho chỉ huy công trường người Hàn Quốc, ông này nói không vấn đề gì đâu và bảo công nhân quay trở lại tiếp tục làm việc”.
Lao động có quyền từ chối làm việc
Điều đáng lưu ý, theo nhiều công nhân, lần rung lắc trước khi giàn giáo đổ sập không phải là lần đầu. Trước đó, giàn giáo đã nhiều lần rung lắc nhưng không được khắc phục. Anh Nguyễn Văn Thế (người nhà nạn nhân Nguyễn Văn Sỹ) cũng là công nhân tại công trường Formosa khẳng định: "Tối đó, tôi cũng làm ca nhưng làm ở chỗ khác. Sau khi sự việc xảy ra, tôi mới được anh em báo lại. Đây không phải là lần đầu tiên anh em làm việc trên giàn giáo mà thấy có hiện tượng rung lắc". Anh Thái Đình Tài (quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một nạn nhân cũng cho biết: Trước đây thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng rung lắc giàn giáo nhưng không xảy ra chuyện gì, lần này các công nhân cũng nghĩ như vậy nên mới leo lên để làm việc tiếp.
Ngay trong chiều 26.3, theo ghi nhận của PV NTNN tại buổi làm việc của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH với Sở LĐTBXH Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây ông Diệp nhấn mạnh: “Tôi thấy công nhân đã từng cảnh báo giàn giáo công trường có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, rung lắc nhưng phía nhà thầu, mà trực tiếp là người chỉ huy công trình vẫn yêu cầu công nhân làm việc. Nếu có việc này thì vi phạm Luật An toàn lao động nghiêm trọng. Đoàn điều tra phải tập trung làm rõ về vấn đề này”.
Liên quan tới vấn đề ép lao động trở lại làm việc khi có dấu hiệu nguy hiểm, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) dẫn khoản 2 Điều 99, chương IX của Bộ luật Lao động quy định cụ thể: Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. “Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục” – ông Thơ cho biết. Như vậy, việc yêu cầu lao động trở lại làm việc khi có cảnh báo nguy hiểm thì “chỉ huy công trường đã vi phạm nghiêm trọng điều kiện về đảm bảo ATLĐ trong công trường”- ông Thơ nói.