Ngày 26/3, nhà chức trách thành phố Marseille (Pháp) đã tổ chức một cuộc họp báo để công bố thông tin gây chấn động về nguyên nhân vụ máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings gặp nạn khiến 150 người thiệt mạng.
Theo đó, thông tin từ hộp ghi dữ liệu buồng lái cho thấy, cơ phó chiếc máy bay, Andreas Lubitz, 28 tuổi, công dân Đức, đã lợi dụng lúc cơ trưởng ra khỏi buồng lái, chiếm quyền kiểm soát và cố tình đâm vào sườn núi để “hủy diệt” máy bay.
Các công tố viên Pháp không gọi đây là một vụ tự sát, bởi việc cơ phó Lubitz thực hiện hành động cướp đi sinh mạng của 149 người khác một lúc có thể được coi là hành động “giết người hàng loạt”. Mặc dù vậy, các điều tra viên và người thân của viên cơ phó này đến nay vẫn chưa hiểu nổi vì sao một thanh niên trẻ, thành đạt, đầy nhiệt huyết như thế lại có thể thực hiện một hành động ghê gớm đến như vậy.
Các quan chức Pháp và Đức nói rằng cho đến nay họ chưa tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ thảm kịch trên là một vụ tấn công khủng bố, tuy nhiên họ cũng không đưa ra lời giải thích nào khác về động cơ của anh ta. Khi được hỏi về tôn giáo của cơ phó Lubitz, nhà chức trách Pháp cũng từ chối đưa ra câu trả lời.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, trên tài khoản Facebook mang tên “Người hâm mộ Andreas Lubitz” đã xuất hiện lời bình luận: “Kẻ tử vì đạo Lubitz đã chết cho nhà tiên tri của chúng ta”. Điều này ám chỉ rằng cơ phó Lubitz rất có thể là một tín đồ Hồi giáo.
Một số thành viên mạng xã hội ở Đức cho hay Lubitz có một người bạn gái theo đạo Hồi, tuy nhiên hiện không rõ anh này còn hẹn hò với cô hay không, và anh đã gặp cô trong hoàn cảnh như thế nào.
Theo hồ sơ lưu trữ của hãng hàng không Germanwings, phi công Lubitz từng được đào tạo tại Trường Huấn luyện Bay Lufthansa ở Bremen, Đức. Bremen là khu vực có nhà thời Hồi giáo Masjidu-l-Furqan, nơi đã từng bị nhà chức trách Đức khám xét và đóng cửa vì có các hoạt động xúi giục thanh niên tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo Reuters, vào tháng 12/2014, hơn 100 cảnh sát Đức đã đột kích, khám xét nhà thờ Hồi giáo này sau một thời gian theo dõi, giám sát. Bộ trưởng Nội vụ Đức Ulrich Maurer cáo buộc ban quản lý nhà thờ này đã tìm cách ca ngợi IS và xúi giục các tín đồ vượt biên tới Syria và Iraq để gia nhập nhóm khủng bố này.
Lubitz đang theo học tại trường phi công Lufthansa tại thời điểm nhà thờ Hồi giáo trên bị khám xét và đóng cửa. Trong thời kỳ được đào tạo tại đây, Lubitz đã bất ngờ xin nghỉ phép trong vài tháng mà không nêu rõ lý do.
Ôn Carsten Spohr, một quan chức của hãng hàng không Lufthansa cho biết Lubitz đã xin nghỉ phép một thời gian dài, sau đó quay lại trường để thực hiện các bài kiểm tra về kỹ thuật và tâm lý. Các giáo viên ở trường đánh giá rằng anh ta hoàn toàn phù hợp để làm phi công.
Một số người cho rằng thời kỳ nghỉ phép này là lúc mà Lubitz đã cải sang đạo Hồi, mặc dù anh ta không đổi sang tên của người Hồi giáo. Cũng theo những người này, chính việc nhà thờ Hồi giáo Masjidu-l-Furqan bị đột kích, khám xét và đóng cửa đã khiến Lubitz tức giận và bắt đầu nghĩ đến những hành động cực đoan.
Ngày hôm qua, cảnh sát Đức đã khám xét căn nhà của Lubitz ở Đức và đã “phát hiện nhiều thứ” tại đây. Cảnh sát từ chối công bố chi tiết thông tin về bằng chứng mà họ gọi là “bước đột phá tiềm năng” của cuộc điều tra, nhưng khẳng định rằng đó không phải là thư tuyệt mệnh.
Những hình ảnh do các phóng viên chụp được trong quá trình khám xét cho thấy cảnh sát đã tịch thu chiếc máy tính trong nhà của Lutbitz ở ngoại ô Dusseldorf, đồng thời dẫn giải một người bị trùm kín mặt ra khỏi căn nhà này.
Các điều tra viên của Đức và Pháp sẽ công bố các thông tin chi tiết liên quan đến cơ phó Lubitz trong vài ngày tới.