Anh bảo tính anh đơn giản lắm, hay xuề xòa. Kể cả khi trả lời cuộc phỏng vấn này, anh rủ tôi ra ngay quán trà đá trước cửa hàng của anh cho… tiện. Phía trong, khách khứa và nhân viên ra vào ồn ào quá. Ngồi ở đây, anh em cũng đỡ câu nệ với nhau hơn.
"Về hình thức tôi chấm mình… 3 điểm"
Nghe nói anh đến với điện ảnh rất tình cờ?
- Tôi đến với điện ảnh năm 2004 khi đạo diễn Vũ Trường Khoa đang tìm 1 người có khuôn mặt giống “gã người Tàu” cho phim Đằng sau tội ác. Và tôi, người sở hữu khuôn mặt múp míp thịt và đôi mắt một mí rất Tàu đã “trúng cử”.
Nghiệp diễn của tôi, sự đam mê điện ảnh bắt đầu từ đây. Trải qua hơn 8 năm, tôi đã từng tham gia hàng trăm tiểu phẩm và phim truyền hình. Tôi thấy sự đam mê đó đã ngấm sâu vào ruột gan mình, có lẽ là đam mê suốt cả cuộc đời.
Diễn viên Hải Anh tự chấm mình 3 điểm về hình thức |
Và “mê” rồi thì không bỏ được. Thậm chí anh từng tuyên bố rất “sốc”: “Có thể không chọn vợ chứ không bao giờ bỏ điện ảnh” . Tại sao lại có sự “ngẫu hứng” với lời tuyên bố ấy? Giờ anh phải thay đổi suy nghĩ chứ?
- Tôi từng bị áp lực rất lớn từ những người bạn gái. Vì họ cũng bị áp lực rất lớn từ phía người thân khi xem những vai diễn của tôi trên truyền hình. Tôi thì không thể bỏ đam mê của mình được. Nên để giải quyết áp lực đó chỉ còn một cách là chia tay các cô bạn gái cho nhẹ người.
Giờ tôi đã lấy được vợ và vợ tôi lại chẳng bị áp lực gì khi tôi “vung dao, múa kiếm” trong các vai diễn. Tôi đang thấy rất hạnh phúc, vừa có vợ lại vừa vẫn có những vai diễn thỏa mãn đam mê.
Nghệ thuật đôi khi là “nghề chọn người”. Như tôi được biết, thời trẻ anh đã từng có thời gian kiếm sống bằng những hoạt động như đi hát, chơi đàn…?
Tuổi trẻ thật nhiều hoài bão. Lúc đó tôi mơ mình trở thành một ca sĩ rồi nhà sáng tác nhạc. Thậm chí, tôi đã mạnh dạn, hay nói đúng hơn là “điếc không sợ súng”, ghi âm hẳn 1 album nhạc của mình với ước mong trở thành một rocker tại Nga.
Ở bên đó, tôi đã từng có ban nhạc và có thu nhập từ việc đàn hát cho cộng đồng người Việt. Nhưng đã làm nghệ thuật, đã sống vì nghệ thuật phải đứng tầm cỡ hàng đầu thì hãy làm. Tôi vẫn chỉ là tay mơ trong các lĩnh vực nghệ thuật nên cứ coi đó chỉ là những cuộc dạo chơi thú vị mà thôi.
Anh cho rằng mình có những yếu tố gì để thành công trong điện ảnh?
- Có lẽ tôi có cái riêng là khuôn mặt không giống ai và những vai diễn “không bình thường”.
Và anh từng bảo vì“khuôn mặt ngầu” ấy mà mình bị ế vợ, thậm chí gần 40 tuổi mới cưới vợ?
- Chuyện vợ chồng là duyên số rồi nên tôi không đổ lỗi cho điện ảnh vì sự ế ẩm này. Nhưng cũng phải thừa nhận, từ ngày "trở thành đầu gấu" trên truyền hình tôi ít được lòng các bậc phụ huynh.
Bạn gái tôi phải đả thông tư tưởng gia đình cả tháng trời rồi mới dám đưa tôi về ra mắt. Mọi người rất hay ác cảm với những vai diễn của tôi nên luôn coi tôi là “người có khuôn mặt không chơi được”.
Bố mẹ và bạn bè biết tôi là người tử tế, nhưng khi tôi xuất hiện trên truyền hình, mọi người lại xảy ra tranh luận. Người thì khẳng định tôi là dạng du côn xịn, khuôn mặt đó thì sao mà tử tế được. Người thì cố thanh minh là “nó tử tế, ngoan hiền”.
Ra đường, có khi đi qua các trường học, có những đám học sinh nhận ra tôi kháo nhau: “Cái ông hay đóng vai mất dạy kìa bọn mày ơi!”. Cũng vui nhưng đôi khi đang đi với khách, cũng thấy bất tiện.
Hải Anh trong một vai diễn đậm chất du côn |
Vậy nếu chấm điểm hình thức, anh tự cho mình… mấy điểm?
- Nếu chấm theo nét thì tôi được khoảng 2 - 3 điểm, còn nếu xét về bố cục tổng thể cộng một chút duyên ăn nói thì tôi được… trên điểm trung bình. Nhưng nếu chấm về đạo đức thì tôi tự cho mình 9 điểm.
Có đủ ăn mới thỏa chí tang bồng
Anh từng rất thành công trong lĩnh vực hài kịch nhưng rồi lại “đi chậm lại”. Khi mà hài kịch dễ được chấp nhận, thu nhập cao hơn và có lẽ cũng nhàn hơn chính kịch như hiện nay, tại sao anh không mặn mà với thể loại này nữa?
- Đúng là tôi có "đi chậm lại". Tôi nghĩ cái duyên của mình cũng chỉ “phát” đến ngưỡng đó thôi. Thực ra chất hài là được trời cho, nếu cố gắng đôi khi lại ép người xem cười, chứ không hẳn là cái duyên tự nhiên của người nghệ sĩ. Ví dụ chất ngang tàng của anh Công Lý hay sự lơ ngơ của anh Quang Thắng, cứ xuất hiện là người xem cười, chẳng phải nói nửa lời. Hài kịch đúng là có thu nhập cao hơn chính kịch nhưng nó hợp với những nghệ sĩ chạy show. Tôi không đi show cho dù cũng có những lời mời.
Điện ảnh là một nghề cực nhọc và thương trường thì khốc liệt. Anh có bao giờ vì sự căng thẳng, lo toan của việc kinh doanh mà “chểnh mảng”, “mất tập trung” ở các vai diễn không?
- Năm 2008, tôi vướng vào khủng hoảng nên tạm “tuyệt giao” với điện ảnh. Một phần vì không còn tâm trí, một phần là không cho phép mình “chểnh mảng” ở các vai diễn như anh nói. Ở trường quay, tôi luôn làm việc nghiêm túc để sau này khi xem lại các thước phim, mình không phải xấu hổ với bản thân.
Anh sắp xếp, dung hòa 2 công việc này như thế nào để ổn thỏa?
- Tôi vẫn đặt kinh doanh cao hơn điện ảnh. Có đủ ăn mới thỏa chí tang bồng được. Nên khi kinh doanh đã ổn định đi vào guồng quay, tôi lại bay bổng cùng đoàn làm phim.
Anh là một con người đã trải qua mọi cung bậc thăng trầm, từng rất thành công rồi thất bại, thậm chí bên bờ tuyệt vọng nhưng rồi “rũ bùn” đứng dậy, đi lên từ những nỗi đau. Theo anh tại sao mình làm được điều ấy?
- Trước tiên, phải nghĩ đến bố mẹ mình. Mình thất bại, mình sụp đổ, mình trốn vào một góc nào đó trong cuộc sống này rất dễ. Nhưng không làm bố mẹ tự hào, không có điều kiện phụng dưỡng bố mẹ thật tốt là bất hiếu. Từ suy nghĩ đó tôi phải vùng dậy bằng mọi giá. Cho dù điểm vùng dậy của tôi là hai bàn tay trắng sau những mất mát, tuyệt vọng.
Giờ đây có gia đình riêng rồi thì vợ, con cũng sẽ là động lực to lớn để tôi phấn đấu. Tôi luôn suy nghĩ, mình chăm chỉ làm việc và không dốt nát, tại sao mình phải chấp nhận cuộc sống vất vả?
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!