Dân Việt

Người nghệ sĩ 10 năm chăm vợ đau, trăm đêm khóc vợ mất

25/12/2012 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Mỗi lần nhắc tới vợ, đôi mắt ông lại rưng rưng chực khóc. Mỗi lần có một bài báo viết về mình, ông lại âm thầm ngồi bên mộ đọc cho vợ nghe rồi đốt xuống chốn tuyền đài cho người vợ mình yêu quý.

Người đàn ông đó là nghệ sĩ Lộc Vàng, người có một tình yêu với nhạc vàng và người vợ quá cố của mình tới “quên cả cái chết”.

Nghệ sĩ Lộc Vàng, tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 tại Hà Nội. Cái tên Lộc Vàng có từ sự mê nhạc vàng đến “quên chết” của ông. Ông được thừa hưởng gien nghệ thuật từ cụ thân sinh ra mình, người có khả năng hát nhiều dòng nhạc dân tộc như tuồng, chèo, cải lương…

Trước năm 1954, đâu đâu cũng nghe người ta hát nhạc vàng, nó ngấm vào ông từ khi nào không biết. Lớn lên, ông cùng với Phan Thắng Toán (Toán “xồm”), Nguyễn Văn Thành lập nên một nhóm nhạc chuyên hát những ca khúc yêu thích đó.

img
Nghệ sĩ Lộc Vàng rưng rưng xúc động mỗi khi nhắc tới vợ

3.000 ngày đợi người yêu trả án

Hãnh diện vì mặc quần của vợ

Ngày Lộc Vàng mới ở tù ra, đến cái quần cũng không có. Bà Mai sửa lại quần của bà cho ông mặc. Chẳng những không chút xấu hổ mà ông còn thấy hãnh diện về tình yêu của vợ. Nhà bà Mai chỉ có mình bà và người mẹ già yếu, sống trong căn buồng 9m2 ngay trên nóc nhà vệ sinh số nhà 128 Bùi Thị Xuân, ông về ở rể để tiện bề chăm sóc mẹ.

Trong bối cảnh xã hội lúc ấy, nhóm nhạc của ông thường “họp kín” trên gác xép nhà anh Thành để cùng mê đắm trong những cung bậc mượt mà của các bản tình ca. Những nốt nhạc đã chắp cánh cho tình yêu của Lộc Vàng với người con gái suốt đời ông mang ơn. Bà Mai là bạn của em gái anh Thành. Mỗi khi nhóm nhạc của ông ngồi hát trên gác xép, bà thường đứng bên ngoài lắng nghe. Thỉnh thoảng bắt gặp, ông lại xoa đầu bà vào bảo: “Con nít đi chỗ khác chơi nghen”.

Nhiều lần bị "bắt nạt" như thế nhưng bà Mai vẫn đứng nghe ông hát. Dần dần, Lộc Vàng cũng quen với việc bà Mai là “khán giả” riêng của nhóm nhạc. Còn bà thì mê giọng hát của ông từ khi nào không hay. Mỗi khi ông hát là bà mất hồn mất vía. Rồi họ bước bên nhau trên những con phố dài của Hà Nội, với những câu chuyện không có kết thúc về nhạc vàng.

Tình yêu đến với họ tự nhiên như những nốt nhạc từ trong tim mà ra. Ông thường hát cho bà nghe Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên: “Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời/Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi/Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời/Cũng đã muộn rồi/Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em”.

Nhạc vàng khi ấy bị “cấm” và bị coi là “văn hóa đồi trụy. Ông bị bắt vì tội “tuyên truyền văn hóa đồi trụy”, bị khép án 10 năm tù và 4 năm quản thúc (sau được giảm án xuống 8 năm tù và 4 năm quản thúc). Hơn 3.000 ngày trong tù, lòng ông vẫn đau đáu nhớ về người mình yêu thương, nhớ những con đường Hà Nội mà đôi chân hai người đã đi qua.

Những lúc gia đình được vào thăm nuôi, bà Mai thường gửi cho ông gói thuốc lá nhưng chưa bao giờ ông nghĩ, người con gái mình yêu thương sẽ chờ đợi mình. Ông đâu biết rằng, bà Mai đã từ chối tất cả những lời cầu hôn của những chàng trai khác để chờ đợi ông suốt 8 năm trời. Ngày ra tù, gặp lại người yêu, biết bà Mai vẫn khắc khoải đợi chờ, ông không nói nên lời mà chỉ ôm bà thật chặt cho nước mắt rơi.

"Niệm khúc cuối" cho cuộc đời

Biết ông Lộc đi tù về, gia đình bà Mai ra sức ngăn cấm nhưng không làm thay đổi được sự vững tin vào tình yêu của bà dành cho ông. Khi bị giám đốc đoàn tuồng Bắc Trung ương gọi lên “giáo dục tư tưởng", bà đứng dậy nói thẳng: “Anh không biết gì về anh Lộc thì không có quyền nói động đến anh ấy”. Rồi bà bỏ đoàn về nhà bán đậu phụ ngoài chợ để được ở bên người mình yêu. Họ cưới nhau năm 1981, tiền bạc không có, phải đi vay khắp nơi gây dựng cuộc sống mới. Để mưu sinh, Lộc Vàng làm nghề vôi cho HTX. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chưa bao giờ niềm đam mê hát nhạc vàng trong ông nguội lạnh.

img
Bức ảnh gia đình là một "vật báu" ông luôn giữ ở bên mình

Năm 45 tuổi, khi vợ ông sinh đứa con thứ 2 thì bị mất máu rất nhiều do băng huyết. Ba năm sau, bà lại bị cảm lạnh nặng, đưa vào Bệnh viện Lao, tiêm thuốc kháng sinh quá liều, bệnh chuyển sang xơ gan cổ trướng. Từ đấy tới khi bà rời xa ông là vừa tròn 10 năm. Ông vay nợ khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho vợ. Một mình ông nuôi vợ ốm đau, mẹ vợ què quặt, hai đứa con ăn học. Nghe ở đâu có thuốc chữa xơ gan cổ trướng là ông đều tìm đến.

Có người mách dùng cây hoa cứt lợn mọc trên những nấm mồ, ông cũng lang thang khắp các bãi tha ma, hái hàng bao tải mang về cho vợ chữa bệnh. 8 tháng trước khi mất, bà nằm liệt giường, bụng chướng lên đau đớn, quằn quại. Trời mùa hè nóng bức, ngày ngược xuôi kiếm tiền mua thuốc, đêm thức trắng xoa bóp cho vợ. Ông không thấy mệt mà chỉ thương bà chưa từng được sống một ngày sung sướng.

Tai bay vạ gió

Năm 1982 tai vạ bỗng đâu ập xuống gia đình ông. Hai vợ chồng hàng xóm đánh nhau, cô vợ sợ quá chạy xộc vào nhà ông nấp, liền bị chồng đuổi theo chém chết. Mẹ vợ ông cũng bị chém gãy đùi, con trai ông (9 tuổi) bị chém ngang lưng, khâu 31 mũi, may không vào xương sống. Sau tai nạn ấy, ông lại phải vay mượn không biết bao nhiêu tiền. Kẻ gây vạ cho gia đình ông thì cứ coi như không có chuyện gì và cố ý lẩn tránh trách nhiệm.

Vợ mất, ông thức trắng 100 đêm khóc thương. Hơn 10 năm trôi qua, cứ mỗi lần nhắc đến vợ, ông lại khóc. Ông quyết tâm mở cho được quán cà phê âm nhạc để thỏa nỗi đam mê nhạc vàng của mình và người vợ dưới lớp cỏ xanh. Phải tới 4 lần mất trắng cả vốn lẫn công, ông mới có được quán cà phê Lộc Vàng nằm trên con đường ven Hồ Tây như hôm nay.

Ông bán nhà lớn, mua nhà nhỏ để có tiền bù lỗ cho hoạt động của quán. Chuyện lỗ lãi ông không nghĩ tới. Ông chỉ muốn nó là nơi lưu giữ những kỷ niệm vô giá. "Dù cơn giông/ Có gió lạnh đầy/Có tuyết bùn lầy/Có lá buồn gầy/Tình ơi !/ Dù sao đi nữa/Xin vẫn yêu em". Bài hát mà chủ quán Lộc Vàng hay hát, lần nào cũng với một nỗi lòng uất nghẹn, thương nhớ, da diết về người vợ đã mất, về bạn hữu đã “đi xa”, về những gì nhuốm màu tang tóc đã đi qua trong cuộc đời ông.

Theo Dòng Đời