Được phép tổ chức kiểm tra thử nhưng không thu phí
Sáng 27.3, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2015. Đã có nhiều băn khoăn được hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố gửi đến lãnh đạo Sở GD & ĐT.
Nhiều môn học phụ kéo dài khiến học sinh căng thẳng
Tại hội nghị PGĐ Sở GD & ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, cho biết: Tất cả các trường phổ thông đều phải hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo đúng kế hoạch và biên chế năm học do Bộ GD&ĐT quy định. Tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh lớp 12 theo văn bản của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn.
Trong đó, chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi. Hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Ghi đầy đủ, chính xác, trung thực các kết quả vào sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ.
Từ ngày 30.5- 30.6, các trường được phép tổ chức dạy ôn với nguyên tắc học sinh tự nguyện tham gia, chất lượng giảng dạy đảm bảo yêu cầu, hiệu quả.
Đặc biệt những trường dạy thêm trong thời gian này phải được cấp phép về dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức, vận hành tổ chức dạy thêm học thêm theo TT số 17 của Bộ GD & ĐT và QĐ số 22 của UBND TP. Việc thu chi cũng phải tuân thủ theo những quy định trên.
Nên kết thúc sớm những môn học không thi
Thầy Nguyễn Quốc Bình (hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức) nhấn mạnh: "Với những điểm mới trong quy định về thi tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, trường gặp không ít khó khăn. Thứ nhất đó là việc đăng ký các môn thi. Thực tế trường Việt Đức, sau khi chúng tôi tổ chức cho các em đăng ký các môn thi, qua 2 lần đăng ký đã xảy ra tình trạng số lượng đăng ký của 2 lần vênh nhau".
Ngoài ra, theo thầy Bình, việc tổ chức dạy và quản lý đảm bảo chương trình cho các môn không thi tốt nghiệp cũng gặp khó khăn.
Nhấn mạnh thêm sự khó khăn này, thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng trường Marie Curie) cho biết: Hiện nhà trường đã phổ biến nội dung, quy chế kỳ thi quốc gia và đang tiến hành làm tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, điều BGH nhà trường lo lắng nhất chính là năm nay đó là việc chọn môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ khá sớm.
Trong khi đó, theo quy định hết 31/5 mới được kết thúc năm học, học sinh phải đăng ký từ bây giờ. Điều này sẽ xảy ra tình huống, trong một lớp học có thể chỉ một vài em đăng ký môn A nào đó, trong khi hơn 30 còn lại không đăng ký nên sẽ không quan tâm. Tình huống này khiến giáo viên sẽ phải dạy như thế nào, trong khi theo quy định thì nhà trường tuyệt đối không được cắt xén chương trình.
“ Với quy định này, vô hình chung làm học sinh và giáo viên căng thẳng, điều này đẩy hiệu trưởng cũng rơi vào tình cảnh này theo. Thử hỏi đến 30/5 các trường vẫn cứ phải dạy GDCN, công nghệ, thể dục có hợp lý?” – thầy Khang nhấn mạnh.
Trước tồn tại này thầy Khang kiến nghị: Cơ quan quản lý nên tôn trọng thực tế. Vì thế, ngoài các môn thi những môn nào không thi nên cho kết thúc sớm vào cuối tháng 2 để nhà trường và học sinh dốc sức, chia nhóm để ôn thi cho các em được tốt hơn.