Ngày 27.3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Trung tâm quốc tế chính sách chất có cồn tổ chức hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, không làm chủ được tốc độ.
“Thông qua khảo sát của dự án Trung tâm quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP), chúng tôi thấy tỷ lệ lái xe vi phạm nồng độ cồn đang có xu hướng tăng dần. Năm 2013, toàn quốc có 86.265 trường hợp vi nồng độ cồn, nhưng đến năm 2014, có 126.630 trường hợp vi phạm. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2015, có 36.960 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt”, đại tá Dánh chia sẻ.
Đại tá Dánh cho biết, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục ra quân xử lý đối với tài xế có nồng độ cồn cao khi lái xe. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát sẽ kiểm tra, xử lý người vi phạm theo kinh nghiệm của quốc tế để tránh gây phiền hà, cản trở cho người dân.
“Trước đây, lực lượng cảnh sát giao thông thấy nghi ngờ lái xe đều gọi vào để kiểm tra và yêu cầu làm một số thủ tục khác nên mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, cảnh sát giao thông sẽ sàng lọc trước. Khi thấy lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn mới yêu cầu dừng xe, cho kiểm tra nồng độ cồn. Nếu lái vi phạm sẽ bị xử phạt, không vi phạm sẽ để lái xe đi ngay, tránh gây mất thời gian của họ”, đại tá Dánh nói thêm.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay chế tài xử phạt lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, đặc biệt vi phạm nồng độ cồn ở mức cao trên 80mml/100 lít máu còn nhẹ.
Như vậy, nhiều người dân chưa cảm nhận được cảnh báo về chế tài xử phạt khi vi phạm. Ông Hùng cho rằng chế tài xử phạt người có nồng độ cồn cao cần phải được tăng nặng hơn nữa. Chế tài phải đủ mạnh để người thấy sợ mà không vi phạm, góp phần giảm tai nạn giao thông.