Dân Việt

Bố giáo sư, mẹ tiến sĩ: Con đòi tự tử

16/12/2012 07:03 GMT+7
Bố dượng là giáo sư, mẹ là tiến sĩ ở những trường đại học danh tiếng nhất cả nước nhưng cậu con trai đòi tự tử. Lý do đơn giản là vì cha mẹ cậu quá mải mê kiếm tiền.

Có bố mẹ như không!

Trong quá trình đi tìm hiểu những câu chuyện về những trường hợp học sinh sa ngã, tôi được cô Hạnh Giang (giáo viên chủ nhiệm trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng) kể câu chuyện khá đặc biệt.

Trong lớp cô Giang từng chủ nhiệm có trường hợp của em Lê Công Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi) khiến các giáo viên phải đặc biệt lưu tâm. Bố mẹ của Vinh li dị khi em còn nhỏ và sống cùng mẹ.

img
Vinh đã từng rất tuyệt vọng và nghĩ tới tự tử! (Ảnh minh họa)

Là một tiến sĩ, một giảng viên của một trường đại học danh tiếng nhất nhì của cả nước, chị Loan (tên nhân vật đã thay đổi) - mẹ của Vinh thường xuyên phải đi công tác và giảng dạy ở nước ngoài. Vì vậy, cậu bé cũng có thời gian 7 năm sang Trung Quốc cùng mẹ.

Sau này, khi lớn hơn, Vinh được mẹ gửi về để cho ông bà ngoại chăm sóc. Cậu học sinh này sống cùng ông bà và dì, cậu trong ngôi nhà nhỏ bé ở phố Bạch Đằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong khi đó, chị Loan cũng đã tìm được hạnh phúc bên người chồng mới của mình là giáo sư một trường đại học danh tiếng.

Chị Loan thừa nhận đã từng có thời gian cảm thấy rất chán nản với đứa con trai ngỗ nghịch của mình. Chị thấy trong bóng dáng của một đứa trẻ hư hỗn là hình ảnh của người chồng trước đây mình đã từng chung sống.

Trước khi về với mái trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cậu học trò Lê Công Vinh cũng từng khá “nổi tiếng” vì đã phải chuyển qua rất nhiều trường.

Khi cô Giang nhận cậu học trò này vào lớp, cô đã trao đổi thẳng thắn với với mẹ của Vinh rằng: “Nếu em Vinh lại tiếp tục mắc lỗi, em sẽ không gọi điện về để trao đổi với ông bà mà trao đổi trực tiếp với chị. Bố mẹ phải là người có trách nhiệm quan tâm trước hết đến tình hình của cháu”. Và rồi, cô Giang cũng đã nhận được sự đồng ý hợp tác từ gia đình của Vinh.

Tuy nhiên, thời gian đầu bước vào ngôi trường mới, Vinh vẫn “chứng nào tật đấy” khi thường xuyên trốn tiết, bỏ đi chơi nhiều hôm không thấy trở lại. Cậu học trò ngỗ nghịch này thường xuyên đi muộn, nghịch ngợm trong lớp khiến các giáo viên bộ môn cũng hết sức phiền lòng.

img Có lẽ ngay cả ở những gia đình có học thức nhất, cha mẹ cũng cần phải học cách quan tâm, lắng nghe và chia sẻ câu chuyện của con cái. Đặc biệt là khi các em đang ở độ tuổi vị thành niên lại càng cần tình yêu thương của cha mẹ img
.

GV Hạnh Giang

 Tuy nhiên, chỉ bằng một vài lần tiếp xúc, thông qua ánh mắt của Vinh, cô Giang vẫn cảm nhận được học sinh này có thể giúp đỡ để tiến bộ.

“Tôi cảm nhận được cậu bé này là một chàng thanh niên sống rất tình cảm, có tư chất của con nhà có học” - Cô Giang chia sẻ.

Sau này, khi trò chuyện với Vinh, cô Giang mới biết hoàn cảnh gia đình Vinh khá đặc biệt.

Vinh tâm sự rằng bản thân em cũng rất buồn vì không được sống với ba mẹ như bao bạn bè khác. Hiện tại, em đang sống cùng ông bà, tuổi đã cao và rất khó tính. Do hai thế hệ quá xa cách về lối sống nên em cũng không thể chia sẻ những suy nghĩ của bản thân.

Không những thế, trong gia đình lại có người cậu mắc bệnh về tâm thần nên không khí gia đình Vinh sống lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Thậm chí, có lần người cậu này còn cầm dao đòi rượt cháu khiến Vinh rất sợ hãi. Vì vậy, cậu học sinh này ít khi thích ở nhà, mà thường ra ngoài chơi cùng đám bạn.

Sau ngày người cậu mất, Vinh tạm biệt ông bà để chuyển về sống cùng mẹ và bố dượng. Bố dượng của Vinh tuổi đã cao, lại là giáo sư nghiên cứu của một trường đại học danh tiếng nên giữa hai thế hệ lại có sự ngăn cách. Vinh không tìm được tiếng nói chung, tìm sự chia sẻ với bố dượng.

Tuy về sống cùng một nhà với mẹ và bố dượng nhưng dường như cuộc sống cô đơn, buồn tẻ trước kia vẫn không thay đổi. Cậu học sinh này cảm thấy chán nản, buồn bã và không thích về nhà. Nhiều hôm cậu cũng theo đám bạn ngỗ nghịch đi chơi cả đêm. Hôm sau đến lớp, Vinh lại tiếp tục ngủ gục xuống bàn vì mệt mỏi.

Đòi tự tử sau khi bị đuổi ra khỏi lớp

Hiểu được hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của Vinh, cô Giang lại lên kế hoạch giúp đưa cậu học sinh này không lún sâu hơn vào con đường hư hỏng.

Sau vài lần bị các cô giáo bộ môn phản ánh Vinh thường xuyên không chép bài, ngủ gật trong lớp, cô Giang lại gọi cậu học trò của mình ra tâm sự. Không có một lời trách mắng, quát nạt nào, cô Giang thủ thỉ với học trò: “Cô vừa nghe thấy cô Hồng, cô Hạnh bảo dạo này em hay ngủ gật trong lớp. Thôi, em nể cô thì đừng ngủ trong lớp, không cô lại nghe các cô kia “mắng”".

Cô Giang dùng chính tình cảm của mình để khuyên giải học trò. Có lẽ là một học sinh khá tình cảm nên khi được cô “nhắc khéo”, Vinh cũng dần dần thay đổi.

Không muốn học sinh của mình lại trở về như cũ, cô Giang đã tiếp tục nhờ tới sự giúp sức của cô bạn gái của Vinh học cùng lớp. Cô Giang giao cho bạn gái quản lý và nhắc nhở Vinh.

Cô Giang nhớ lại, có lần giáo viên thấy Vinh thường xuyên ngủ gật trong lớp, tức giận đuổi em ra ngoài kèm theo lời trách “Em cứ ngủ như thế này thì tốt nhất là em nên đi về”.

Tuy sự việc chỉ có vậy nhưng khi vừa ra ngoài cổng trường, Vinh đã nhắn tin lại cho mẹ: “Mẹ ơi con đi chết đây”. Mẹ gọi lại Vinh cũng không nghe máy.

Ngay khi biết thông tin, cô Giang đã nhờ sự giúp đỡ của cô bạn gái động viên cậu không làm những hành động tiêu cực.

Cô Giang chia sẻ: “Lúc đó, Vinh rất bi quan và chán nản. Nếu mình không quan tâm, để mặc như thế, rất có thể chuyện xấu sẽ xảy ra”.

Cô Giang cũng cho rằng, lúc đó tâm lý của học sinh không được tỉnh táo và ổn định, vì vậy rất cần có sự bình tĩnh giải quyết của những người lớn. Một vài ngày sau khi trò chuyện cùng cô giáo, Vinh cũng đã nhận ra ý nghĩ của mình lúc đó là bồng bột và thiếu suy nghĩ.

Mẹ của Vinh chia sẻ thêm rằng thời điểm đó, gia đình chị đang có rất nhiều chuyện căng thẳng nên con trai mới có những suy nghĩ dại dột đó. “Nó đã nói là làm. Nhưng may mà có sự giúp đỡ của cô giáo nên việc xấu không xảy ra” - Chị Loan rối rít cảm ơn cô giáo.

Thông qua câu chuyện này, cô Giang cho rằng, mỗi giáo viên phải đứng trên ba vai trò: là một giáo viên, là một người mẹ, một người bạn để có thể tâm sự và chia sẻ với học trò. Khi học trò được chia sẻ và có sự đồng cảm, các em sẽ dễ sống tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, cô Giang cũng chỉ ra rằng, không chỉ có những gia đình giàu có, cha mẹ mải mê kiếm tiền để rồi con cái của họ thiếu đi tình yêu thương mà ngay cả những gia đình trí thức, cha mẹ cũng đang thiếu đi sự quan tâm dành cho con trẻ.

“Có lẽ ngay cả ở những gia đình có học thức nhất, cha mẹ cũng cần phải học cách quan tâm, lắng nghe và chia sẻ câu chuyện của con cái. Đặc biệt là khi các em đang ở độ tuổi vị thành niên lại càng cần tình yêu thương của cha mẹ” - Cô Giang nhấn mạnh.

Theo VTC News