Dân Việt

Hôm nay (28.3), khai mạc IPU 132: Vị thế mới của Việt Nam

Thúy Đăng 28/03/2015 06:55 GMT+7
Hôm nay (28.3), Đại hội đồng liên minh nghị viện lần thứ 132 (IPU132) khai mạc với sự tham dự của hơn 1.600 đại biểu, trong đó có các nhà lãnh đạo Quốc hội của các nước thành viên như Anh, Italia, Nga, Nhật, Trung Quốc… với kỳ vọng sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội.

Hà Nội những ngày qua có mưa nhỏ và khá lạnh. Nhưng không vì thế mà không khí tại thủ đô bớt nóng. Theo ghi nhận của NTNN, trên những nẻo đường chạy về Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Mỹ Đình - nơi diễn ra IPU 132, như đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng... cờ hoa, băng rôn nhiều thứ tiếng được giăng đầy.

Trước trung tâm hội nghị, hàng trăm cờ phướn, băng rôn được kết dính lại rất ấn tượng. Nổi bật nhất phải kể đến khối hoa lớn được kết thành dòng chữ chào mừng IPU 132. Bên trong hội nghị, quốc kỳ của các quốc gia được sắp đặt hoành tráng, nổi bật trên sảnh đi vào.

Chiều qua, nhiều đại biểu đã có mặt tại đây và họ đã tỏ rất hào hứng với các gian hàng truyền thống của các dân tộc Việt Nam trưng bày tại đây... Trên khuôn mặt của những vị khách quốc tế đến Việt Nam luôn nở nụ cười thân thiện...

Nâng cao vị thế của Việt Nam

img
Khối hoa lớn được kết thành dòng chữ chào mừng Hội nghị IPU 132 đặt tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh: Đàm Duy
Đây là lần đầu tiên Hà Nội - Việt Nam tổ chức một kỳ IPU rất đặc biệt. Nói như vậy, bởi IPU đã có bề dày lịch sử 126 năm, là tổ chức liên Nghị viện lớn nhất của thế giới với tổng số 164 Nghị viện quốc gia thành viên và 10 tổ chức thành viên liên kết.

Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết, Quốc hội Việt Nam đã là thành viên chính thức của IPU từ năm 1979. 35 năm qua, từ khi gia nhập IUP đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam luôn chủ động, tham gia đầy đủ các kỳ họp đại hội đồng và tích cực đóng góp hiệu quả trên diễn đàn liên nghị viện toàn cầu này.

Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, với những nỗ lực, uy tín và vị thế của mình, Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế tin cậy và Việt Nam đã vinh dự được IPU lựa chọn là nước chủ nhà của hội nghị lần thứ 132. Theo Phó Chủ tịch Lưu việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp 132 của IPU là một sự kiện chính trị- ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực và có trách nhiệm, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Còn Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh, IPU132 là một sự kiện bước ngoặt lớn, thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của IPU và tạo ra mô hình mẫu cho các nước trên thế giới trong việc tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và Quốc hội.

Người đứng đầu liên minh Nghị viện lớn nhất thế giới chia sẻ, với IPU, đây cũng là một năm đột phá với 3 nội dung hoạt động chính mang tầm quốc tế. Thứ nhất là thảo luận cơ chế hợp tác Nghị viện trong giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên đang xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn. Thứ hai là tổng kết, đánh giá việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và thảo luận, đề ra Các mục tiêu phát triển bền vững hậu 2015. Thứ ba là thảo luận và thông qua Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IU132 để lồng ghép nội dung tuyên bố vào chương trình nghị sự quan trọng của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào cuối năm.

Hạ nhiệt “điểm nóng” thế giới

Quan điểm

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong
  Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã dồn nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho Đại hội đồng IPU132 cả về khâu tổ chức, làm nội dung và lên chương trình nghị sự”.
Đại hội dự kiến thông qua nghị quyết về chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu; nghị quyết thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; nghị quyết về luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người.

Tại IPU 132, nước chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo, tích cực cho sự tham gia của Đoàn đại biểu Việt Nam trong tất cả các hoạt động cả chính thức cũng như bên lề IPU, trong đó các phiên thảo luận tại Ủy ban về Dân chủ và Nhân quyền.

Tại kỳ họp này, Ủy ban về Dân chủ và Nhân quyền sẽ tập trung vào các nội dung chính như thông qua dự thảo Nghị quyết về “Pháp luật quốc tế trong mối quan hệ giữa chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người”; “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và những đe dọa đối với quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân khác”; thảo luận các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em… Đây đều là các nội dung quan trọng, là điểm nóng luôn được đề cập tại nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực, được nhân dân, các nghị sĩ, đại biểu quốc hội rất quan tâm.

Đặc biệt, một văn kiện tổng hợp được kỳ vọng sẽ thông qua tại IPU132 là Tuyên bố Hà Nội.

Ông Hà Huy Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, mỗi một kỳ Đại hội đồng của IPU, thường có một văn kiện tổng hợp lại tất cả những ý kiến và những kết luận đã được sự đồng thuận của Đại hội đồng. Lần này, phía Việt Nam đề xuất là văn kiện đó mang tên Tuyên bố Hà Nội. Văn kiện này sẽ được coi như một văn kiện chính thức của Đại hội đồng IPU132 ở Việt Nam, ở Hà Nội để chuyển tới Hội nghị Thế giới Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện của các nước cuối tháng 8.2015, trước khi được chuyển cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9.

Ông Kukeo Ackhamonty - Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Lào: Việt Nam góp phần làm IPU lớn mạnh

IPU 132 là một hội nghị rất quan trọng, có nhiều vấn đề cần trao đổi, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đang xem xét để chuyển từ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sang phát triển bền vững khi các mục tiêu thiên niên kỷ đã hoàn tất vào cuối năm nay. Qua việc tổ chức hội nghị lần này, Quốc hội Việt Nam có sự góp sức quan trọng   đối với hoạt động của IPU trong những năm tiếp theo, làm cho      tổ chức liên Nghị viện ngày càng   phát triển vững mạnh.

Ông Andrey Klimov - Phó Chủ tịch UB Đối ngoại Thượng viện Nga:
Sẽ là một hội nghị tốt đẹp

IPU 132 tổ chức tại Việt Nam mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Thông thường theo truyền thống, hội nghị Nghị viện này được xem là "Nghị viện Liên Hợp Quốc, và diễn ra tại Geneva. Đây là lần đầu tiên hội nghị của hầu như tất cả các Nghị viện trên thế giới này diễn ra ở Việt Nam. Điều này cũng cho thấy thế giới cần đa cực, sự kiện không nhất thiết diễn ra ở châu Âu, ở Mỹ, mà ở nước khác. Dù Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một diễn đàn như vậy song với các nỗ lực chung, đây sẽ là một hội nghị tốt đẹp.

Hạ Anh