Tại Phiên toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU nhấn mạnh IPU-132 là hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất của Quốc hội Việt Nam từ trước đến nay, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sự kiện này sẽ là điểm nhấn trong tổng thể ngoại giao nhà nước và ngoại giao đa phương của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đại hội đồng IPU-132 diễn ra vào năm 2015 là thời điểm chuyển giao quan trọng của cộng đồng thế giới với nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững, xác định các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch IPU ông Saber Chowdhury nhấn mạnh, thông qua hội nghị lần này, 90 triệu người dân Việt Nam đã kết nối với hơn 6 tỷ người dân khác trên thế giới. Ông Saber nhấn mạnh: “Chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ không thể tiếp tục nếu chúng ta theo đuổi GDP, mà chúng ta cần phải hướng tới sự phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân. Tuy nhiên, trong mọi nỗ lực của chúng ta thì vị trí trung tâm của người dân, những người mà chúng ta đại diện, sẽ rất quan trọng dù đó là vấn đề về an ninh, con người hay là nhân quyền đều rất quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn nói là phải hướng tới người dân, và đặt người dân vào những trọng tâm thảo luận của chúng ta. Nếu nguyện vọng của người dân không được phản ánh trong các mục tiêu phát triển bền vững, điều này có nghĩa rằng chúng ta đã không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.”
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế của IPU 132, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, việc sử dụng mạng internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh các cuộc tấn công trên không gian mạng. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế, quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Để đối phó, đoàn Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị: Liên minh Nghị viện Thế giới cần ra Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào. Các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật-công nghệ, chia sẻ thông tin về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng; phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi có sự cố.
Các quốc gia thành viên tăng cường xây dựng năng lực an ninh thông tin thông qua các hoạt động như: xây dựng và hoàn thiện hành lang nhằm quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trên mạng.