Đại tá Nguyễn Phương Diện - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) - chỉ đạo chương trình cho biết, chương trình nhằm cung cấp cái nhìn trọn vẹn, toàn cảnh về chiến thắng, sau 40 năm nhìn lại.
Chiến thắng này vô cùng vĩ đại nhưng màn sử thi mô tả chỉ có 30 phút, làm thế nào để có thể diễn tả hết 12 ngày đêm trong 30 phút này, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Phương Diện - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) |
- Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không là một chiến thắng vĩ đại, có tầm cao cả về trí tuệ, bản lĩnh của cả một dân tộc. Do đó, trong một khoảng thời gian ngắn là 30 phút để làm được một màn sử thi nghệ thuật phản ánh được tầm cao này là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Nói thật lúc đầu chúng tôi rất lo lắng khi nhận nhiệm vụ tổ chức chương trình này.
Nhưng rất may có mấy thuận lợi cho chúng tôi, thứ nhất là đã được đích thân Hiệu trưởng, nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Đức Trịnh của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội làm tổng đạo diễn, thứ nữa là tất cả những diễn viên của trường thời gian vừa qua đã tham gia các hoạt động về văn hóa, các sự kiện… của những ngày kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không” nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm và hiểu được sự kiện này.
Chính vì vậy, qua những lần duyệt chúng tôi thấy rằng, về cơ bản chương trình đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Mức độ hoành tráng đánh giá là khá, dàn dựng công phu, sáng tạo, ví dụ sự sáng tạo các đạo cụ để có tiếng tàu điện leng keng, tiếng loa báo máy bay địch, tiếng còi báo động, tiếng bom xen lẫn tiếng rít của máy bay, tiếng súng phòng không… để làm sao có được sự kết dính giữa các phần nghệ thuật trong màn sử thi đó.
Cảnh trong phim “Cao hơn bầu trời”. |
Được biết phần 2 của kịch bản sẽ có đoạn “Chiến đấu – đập tan hung bạo” do hợp xướng, lĩnh xướng và múa kết hợp âm thanh, hình ảnh kéo dài tới 6 phút. Vậy đâu là điểm nhấn của chương trình?
- Với suy nghĩ của chúng tôi, việc tái tạo lại cuộc chiến đấu mà có tất cả các lực lượng cùng tham gia, đó là cuộc chiến tranh nhân dân thể hiện rất rõ nét, lực lượng phòng quân không quân cùng chiến đấu, rồi khắc phục hậu quả chiến tranh với nhân dân trong những cảnh đổ nát điêu tàn… gói gọn trong một trường đoạn ngắn như vậy chưa phải là dài. Tôi nghĩ bên cạnh đó còn có những màn bổ trợ của nghệ thuật như hát, múa… sẽ làm chương trình hấp dẫn thêm.
Với một chương trình mang tầm vóc tái hiện lịch sử như vậy, việc tuyển chọn, đưa ra các ca khúc, hình ảnh tư liệu phải được duyệt kỹ càng?
- Mỗi một ca khúc được dàn dựng biểu diễn trong màn sử thi nghệ thuật đó đã qua quá trình sàng lọc và rất nhiều phương án để lựa chọn. Bởi đây là cuộc chiến đấu có nhiều lực lượng tham gia, toàn dân tham gia, nên không thể có bài hát chung hay một ca khúc chung nào cho những điển hình của mỗi lực lượng. Những ca khúc được chọn này đều là những ca khúc đã sống cùng năm tháng, đã được đánh giá rất cao, thậm chí có những ca khúc còn đoạt giải thưởng Nhà nước cũng rất tiêu biểu, rất phù hợp với nội dung của chương trình.
Những màn nghệ thuật sẽ có đan xen phim tư liệu do Quân đội sản xuất minh họa để mọi người hiểu hơn về thời điểm đó, những hình ảnh cũ và cả những hình ảnh mới, lần đầu tiên công bố sẽ là bức tranh sinh động; cùng với các diễn văn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bài phát biểu của các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu, phát biểu của đại diện tuổi trẻ… tất cả những cái đó tạo thành một thể thống nhất để đánh giá khá trọn vẹn về Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” sau 40 năm ta nhìn lại.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hà (thực hiện)