Người sinh lỗi thời
Ở làng Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội) có hai chị em đào nương nổi tiếng, chị là Nguyễn Thị Vượn, em là Nguyễn Thị Khướu. Năm nay bà Vượn 90 tuổi, còn bà em 88, cả hai đều đã như hai chiếc lá vàng run rẩy trên cây, chả biết rụng xuống lúc nào. Khi chúng tôi về Chanh Thôn thì bà Vượn đã ốm nằm liệt giường, không còn minh mẫn, may còn bà Khướu vẫn khỏe mạnh tinh anh, đon đả mời chúng tôi vào nhà.
Thật hiếm có người đàn bà nào ở tuổi 88 mà vẫn được như bà Khướu, khuôn mặt có làn da trắng mịn, đôi mắt lanh lợi, nói năng tròn vành rõ chữ, trí óc minh mẫn. Tôi hỏi: “Bà ơi, ngày xưa chắc chắn bà phải là một đào nương xinh đẹp nổi tiếng nhất vùng”, bà Khướu cười hiền lành: “Tôi lên 11 tuổi bắt đầu bước vào đời đào hát, bắt đầu được rèn rũa để trở thành một ca nương dưới bàn tay rắn rỏi của bà nội tôi, cha tôi và chú tôi”...
Ký ức miên man đưa bà Khướu trở về thời thơ ấu. Hồi đó dòng họ nhà bà theo nghiệp ca trù, nổi tiếng khắp Phú Xuyên. Bà nội bà Khướu là ca nương Nguyễn Thị Ước- người đã từng thắng giải ở miền Bắc và được lựa chọn vào Huế đi thi hát, biểu diễn ca trù cho vua quan triều Nguyễn nghe, khi về được ban thưởng lụa, vóc, tiền, vàng.
Lên 11 tuổi, cô bé Khướu bắt đầu học hát, 14 tuổi chính thức vào đời như một đào nương, đi ăn cơm thiên hạ. “Nghề đào nương ca trù có nhiều điều kiêng cữ khắc nghiệt lắm, riêng những đồ rán, mỡ, chua, chát, cay là không được đụng, vì phải giữ giọng, chúng tôi chủ yếu chỉ ăn đồ luộc, đồ rim. Tôi cứ nhớ mãi thời xưa, mấy chị em chúng tôi còn nhỏ, rủ nhau ra chợ chơi, lúc về ông chú tôi còn bắt vành miệng từng đứa ra để kiểm tra, xem chúng tôi có ăn đồ linh tinh ngoài chợ không”- bà Khướu kể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, bà Khướu 17 tuổi, đang độ tuổi rực rỡ nhất của một ca nương thì đành đứt gánh giữa đường với nghiệp ca trù, vì không ai còn nghe cái nghệ thuật từng được quan lại phong kiến ưa chuộng đó nữa. Bà Khướu đành xếp câu hát vào trong lòng, tưởng là sống để dạ chết mang đi, rồi hòa vào những công tác xã hội đoàn thể của thanh niên hồi đó, lấy chồng, sinh con đẻ cái.
Hồi đó mấy anh chị em trong họ, cứ có đám là lại hát dấm hát dúi với nhau cho khỏi quên nghề, ông anh họ thì đàn, bà Vượn, bà Khướu thì hát để được sống trong không khí sang trọng, lề lối của các canh hát thời xưa. Bà Khướu đến nay vẫn còn giữ được 15-16 điệu hát chính của thể cách hát ca trù. Với môn nghệ thuật học theo kiểu truyền nghề này, mỗi nghệ nhân là một kho tàng riêng, một người nhắm mắt xuôi tay là mang theo hết về với ông bà ông vải.
Suốt buổi nói chuyện, chốc chốc bà Khướu lại bảo: “Tôi sinh ra lỗi thời cô ạ, giá tôi sinh sớm lên vài chục năm thì có phải cả đời được đắm đuối với câu hát ca trù không. Đằng này tôi bị mất 62 năm không được hát, không được trình diễn, chỉ quanh quẩn với vài sào ruộng để cấy hái nuôi con”. Mãi đến năm 2007, ca trù ở Chanh Thôn mới được sống lại.
Mỏi mòn chờ đợi
Say mê truyền nghề cho giới trẻ, những nghệ nhân cao tuổi như bà Khướu, bà Vượn chỉ bảo họ từng ly từng tí, từ tiếng hát cho đến cách mặc chiếc áo dài, vấn cái tóc trong vuông khăn nhung the màu điều sao cho gọn gàng, đoan chính.
Cuối năm 2014, bà Vượn, bà Khướu là 2 trong 13 nghệ nhân ca trù có tên trong danh sách nghệ nhân được Sở VHTTDL đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ngày 20.3, Hội đồng xét danh hiệu cấp Bộ của Bộ VHTTDL cũng đã công bố danh sách nghệ nhân lọt vào đợt xét tặng danh hiệu vào tháng 6 tới. Là những người ngoài cuộc, chúng tôi không khỏi chạnh lòng thay khi nhìn thấy các cụ- những báu vật nhân văn sống lại xếp cùng vai bằng lứa với những thế hệ nghệ nhân là học trò sau này như các nghệ nhân Bạch Vân, Phạm Thị Huệ… Nhưng bà Khướu chả chấp nê gì chuyện đó, bà bảo: “Chúng tôi giờ như nến trước gió rồi, chả biết lúc nào thì tắt, bao nhiêu năm nay, nhà nước không có một xu một hào nào trợ cấp giúp đỡ, chúng tôi vẫn cố gắng cấy cày làm ra hạt lúa mà nuôi con cái, nuôi tiếng hát ca trù. Giờ các ông ở trên có làm thủ tục gì thì cũng làm nhanh lên, bà Vượn chị tôi ốm liệt giường rồi, không biết có chờ nổi cái danh hiệu đó hay không”.
Tôi nhìn bàn tay của bà Khướu, đôi bàn tay của một người đàn bà đáng lẽ cả đời chỉ quen với sênh phách, với gương lược phấn sáp để đem tiếng hát làm đẹp cho đời, thì nó vẹo vọ, u sần vì công việc đồng áng. Bà cụ trông đặc vẻ quê mùa đã 88 tuổi ấy, khi được thỉnh cầu hát một điệu cho chúng tôi nghe, thì lạ kỳ thay, chỉ thoáng một cái là hiện lên trên khuôn dung vẻ sang trọng, lịch lãm của một đào nương lề lối thuở xưa, thả hồn đắm mình vào câu hát.
88 năm nay, người nghệ sĩ nông dân vẫn cất giữ câu hát trong lòng và nâng niu như báu vật. Ca trù đất Bắc sau lớp cụ Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, Nghệ sĩ Ưu tú Phó Thị Kim Đức, Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc… chỉ còn lứa bà Khướu, bà Vượn nữa là thôi.