Giữa góc phố cổ Hà Nội ồn ào, tấp nập xe qua lại, có một chàng thanh niên hàng ngày cặm cụi, miệt mài khắc từng nét nhỏ lên những con dấu gỗ. Nếu chỉ có bàn tay khéo léo, bộ óc sáng tạo mà không có tình yêu, sự tâm huyết dành cho phố cổ và nét văn hóa Việt hẳn anh chẳng thể tỉ mỉ làm ra những con dấu gỗ nghệ thuật, tinh xảo đến vậy.
Bị những con dấu gỗ “hớp hồn”
Với chiếc dùi gỗ dài khoảng 15cm, kẹp con dấu gỗ cố định trên một bàn gỗ tự đóng, anh Trịnh Xuân Lực (sinh năm 1984, quê Hà Trung, Thanh Hóa) vừa làm vừa vui vẻ trò chuyện.
Anh bảo, đến giờ vẫn thấy lạ lùng bởi anh là người miền Trung mà lại yêu và gắn bó với nghề truyền thống tạo nên hồn thiêng của phố cổ, mảnh đất kinh kỳ. Chẳng phải mình anh thấy vậy, ngay cả những người đã quá quen thuộc với nơi đây đôi khi còn thấy ngỡ ngàng trước hình ảnh một chàng trai trẻ, cả ngày mân mê với những con dấu gỗ nhỏ chưa bằng lòng bàn tay.
Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Học xong lớp 9, anh làm đủ nghề kiếm sống, giúp đỡ gia đình. Một dịp ra Hà Nội, ghé qua cửa tiệm của người cậu ruột trên phố Hàng Quạt, anh đã bị những con dấu gỗ hút hồn.
Anh say sưa hàng giờ đồng hồ ngắm những con dấu gỗ có hình cầu Thê Húc, tháp Rùa, Lăng Bác… được khắc tinh xảo. Anh tò mò, nhất định hỏi cậu bằng được cách làm ra chúng. Sau vài ngày học thử, bị mê mẩn bởi chiếc dùi sắc và mảnh gỗ nhỏ, anh quyết định bỏ việc dưới quê, ở lại Hà Nội nối nghề cậu.
Anh kể lại: “Cậu tôi cũng làm nghề khắc gỗ. Khi biết tôi ham thứ này, cậu mừng lắm vì có người nối nghề. Cậu tận tình chỉ bảo cho tôi cách làm. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ lời khuyên của cậu, rằng học và làm nghề này phải có cái đầu ghi nhớ hình ảnh cùng với sự kiên nhẫn, nhiệt tình. Nếu học chỉ vì hiếu kỳ thì sớm muộn cũng bỏ ngang, uổng phí thời gian của con, tâm sức của cậu”.
Tuy vậy, thời gian đầu học nghề, cũng có lúc anh tưởng mình bỏ cuộc. “Những con dấu đầu tiên tôi làm đều phải bỏ đi vì nét khắc thô và xấu quá. Hai bàn tay ngày nào cũng mỏi nhừ, có khi lỡ tay còn bị dao sắc cứa cho chảy máu. May mà giờ đã thành thạo hơn. Đúng là máu đổ vì nghề”, anh Lực tâm sự.
Niềm say mê đã thôi thúc anh khổ luyện. Đến giờ, khi cầm con dấu trong tay, anh chỉ còn say sưa nghĩ về những hình dáng độc đáo mà anh sẽ khắc lên đó chứ không màng đến dòng người qua lại. Anh bảo, tâm tĩnh sẽ làm nên sự khác lạ đến đặc biệt của món đồ này.
Suốt ba năm miệt mài, những nét khắc trên dấu gỗ của anh không còn thô sơ, nghệch ngoạc nữa mà đã mịn màng và tinh xảo hơn. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, anh Lực còn mong mỏi con dấu của mình có nét riêng, độc, lạ, thể hiện rõ phong cách của bản thân.
Anh kể lại: “Tôi sinh ra ở miền Trung nhưng vừa đặt chân đến đây đã có cảm tình với mảnh đất kinh kỳ vừa ồn ào lại vừa cổ kính này. Tôi đã dành thời gian đi thăm tất cả các danh lam, thắng cảnh nơi đây, từ đó ghi nhớ và khắc chúng lên những mảnh gỗ nhỏ. Đó chính là sự khác lạ trong những con dấu của tôi”.
Tay nghề lên cao, càng lúc càng mê mẩn những con dấu nhỏ, anh Lực đã mở cửa hàng riêng. Một mình anh, vừa khắc dấu vừa bán hàng. Anh tâm sự, có ngày vì mải khắc dấu cho khách, anh quên cả ăn cơm trưa. Buông con dấu xuống, ngẩng mặt lên đã 2 giờ chiều, anh nhờ người trông quán chạy ù đi ăn cho xong bữa. Trong lúc ăn cũng chỉ sợ khách quay lại lấy hàng mà không thấy chủ đâu.
Mong có người nối nghề
Hơn 10 năm làm nghề, anh Trịnh Xuân Lực nhận ra một điều quý báu rằng, theo đuổi đam mê là cách nhanh nhất tiến tới thành công. Anh bảo, nghề khắc dấu chẳng thể khiến người ta giàu có về vật chất được nhưng bù lại đời sống tinh thần rất phong phú bởi luôn được tiếp xúc với những cái mới trong cuộc sống.
Cửa hàng của anh nằm gọn trên khoảng nhỏ vỉa hè ở Hàng Bông. Mỗi sáng sớm, anh đem những con dấu gỗ đã khắc đủ màu sắc, hình thù ra trưng bày rồi lại ngồi tỉ mỉ làm ra những con dấu mới.
Anh chia sẻ: “Hình ảnh trên những con dấu gỗ thường do tôi tự nghĩ ra và phần lớn đều là những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội nên du khách nước ngoài rất thích. Cũng có khi tôi làm theo yêu cầu của khách, nhiều người đến thích khắc chung một mẫu. Một con dấu đơn giản có thể làm xong trong 15 phút. Những con dấu có họa tiết cầu kỳ, phức tạp hơn thì có khi cần gấp đôi thờ gian mới hoàn thành. Tôi không e ngại chuyện thời gian, chỉ cần khách có thể kiên nhẫn ngồi chờ là được”.
Vào mùa du lịch, mỗi ngày anh bán được khoảng 10 - 15 dấu gỗ cho khách du lịch nước ngoài. Mỗi con dấu gỗ có giá từ 60- 80 nghìn đồng. Cũng có lúc, cả ngày anh không bán được một con dấu gỗ nhưng không vì thế mà khiến anh chán nản.
Có lần, anh đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề làm dấu gỗ, kiếm nghề gì đó có thu nhập ổn định hơn. Nhưng sau vài ngày không chạm đến dùi, gỗ, chân tay bứt rứt, anh lại tìm về dấu gỗ. Anh cười bảo, đúng là cái gì đã thành đam mê và thói quen thì thật khó bỏ.
Để giới thiệu dấu gỗ đến du khách nước ngoài, anh Lực phải tự học thêm tiếng Anh. Anh cười: “Tôi không học được nhiều, chỉ học nói giá và mời khách mua thôi. Cũng may, cửa hàng của tôi nằm ngay cạnh một công ty du lịch nên thỉnh thoảng nhờ cô nhân viên dạy cho vài từ hoặc phiên dịch giúp”.
Mong muốn lớn nhất hiện tại của anh là được truyền nghề cho một người nào đó có đam mê giống mình. Anh muốn những con dấu mang hình ảnh thủ đô được lưu giữ và rộng hơn có thể theo du khách, bạn bè quốc tế về đất nước của họ.