Dân Việt

Tây Nguyên độc đáo trong bộ sưu tập có một không hai

31/03/2015 11:19 GMT+7
Chủ nhân của bộ sưu tập là một cán bộ công an, thượng tá Đặng Minh Tâm, anh là thành viên thứ 31 của hội cổ vật Nam Bộ, hội viên hội UNESCO Việt Nam.

Chỉ có thể gọi là duyên, tất nhiên với lòng yêu mến vô hạn văn hóa miền đất Tây Nguyên mà ngôi nhà số 27 đường Lương Thế Vinh, thành phố Đà Lạt của anh trở thành một không gian lưu giữ rất nhiều hiện vật quý giá và đa dạng.

Ở đây có chiếc ghế làm bằng xương voi duy nhất ở Việt Nam - dành cho vua săn voi ngồi cúng mỗi khi đi săn voi. Chiếc ghế “dễ sợ” này nằm ở giữa bộ sưu tập săn bắt, hái lượm. Đằng sau chiếc ghế là hàng chục chiếc ná, kèm ống tên đã tẩm thuốc độc. Một loạt giáo, mác, lao, đòng bằng đồng, bằng sắt được cắm ngược lên trên. Một bộ dụng cụ bẫy voi đặt ngay bên phải, tăng vẻ uy dũng cho chiếc ghế đã được cài hai răng nanh voi.

Vài bộ bễ thụt lửa để rèn sắt bên cạnh các loại công cụ sản xuất như xà bách, xà gạt, rìu, dao… không cái nào giống cái nào, chắc chắn “không đụng hàng trên toàn thế giới” cho thấy một Tây Nguyên yêng hùng của các chàng Đam San, Xinh Nhã…

Kiến trúc sư Ngô Thanh Hùng (Đà Lạt) và KTS Nguyễn Hòa Hiệp (TP Hồ Chí Minh) đã rất “choáng”  trước bộ sưu tập nhạc cụ đặc sắc của Tây Nguyên: từ trống da voi, trống da nai, trống da trâu, da dê đến trống đồng… chiếc nào cũng “độc nhất vô nhị”. Hiệp nói chưa từng nhìn thấy chiếc trống đồng để cúng nào nhỏ lại đẹp đến thế…, chưa từng nhìn thấy hoa văn trên trống đồng nào lại có con chim phượng hoàng dắt ba con chim  nhỏ dễ thương đến lạ lùng…, lại còn đàn đá, đàn gió, đàn tinh ning, đàn goong, đàn cha pi… 

img
Nhờ công việc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con các dân tộc, anh được bà con yêu mến tặng cho một số cổ vật.

Khèn bầu sáu ống, khèn bầu một ống, sáo bầu ba lỗ, khèn sừng trâu, tù và bằng sừng dê… Đàn môi, đàn sáu dây, đàn tơ rưng toàn những bộ chuẩn, đã từng tham gia giao lưu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, có bộ đã từng theo chủ đi lưu diễn ở 25 nước trên thế giới.

Chuyên gia nghiên cứu sưu tầm bảo tàng Nguyễn Trường An đã “phát sốt” trước bộ sưu tập ghè, chóe cổ có giá trị mỹ - kỹ thuật cao: kia là chiếc chóe đổi voi, chóe thế mạng (nếu làm chết voi, chết người có thể đền bằng những chiếc chóe này), chóe mẹ bồng con, tố xà lung (tương đương với 11 con trâu), chum các loại của người Chăm cổ, jăng đựng rượu cần của người Thái xưa. Nhiều nhất là các loại bình, chóe cổ đến từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn thời Lý (TK 11-13), Trần (TK 13-14), Lê (15-18) với hai trung tâm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương). 

Nhiều loại chóe có chiều cao 25 - 30 cm được phủ men mầu nâu sáng, cá biệt có chiếc tráng men mầu xanh lục, mầu vàng xẫm, màu xám xanh đến từ các lò gốm sứ miền trung Việt Nam (Gò Sành - Bình Định). Hoa văn trang trí phổ biến là vẽ chìm dưới men. Chủ đề chính sử dụng cho trang trí là hoa lá và các loại hoa dây. 

Ở đây cũng xuất hiện những chum, chóe quý hiếm nặn bằng tay của người Khmer cổ có men màu nâu sắt, hoa văn khắc chìm sóng nước hoặc hình gân lá có niên đại TK 11-13. Có bình gốm sứ Thái-lan men mầu xanh lục trong suốt, xương có mầu phớt hồng, hoa văn được vẽ khắc chìm dưới men gồm những đường tròn đồng tâm hoặc hình búp sen hoặc hình hoa thị mầu đen trên nền men màu trắng ngà đạt trình độ kỹ thuật cao.

Hàng chục chiếc bình gốm sứ với đặc trưng của gốm hoa lam, bạch định, tam thái, men ngọc, men mầu nâu đỏ, mầu vàng tối, mầu xám xanh có nguồn gốc ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây, được sản xuất từ TK 9-16 ở Trung Hoa. Hoa văn trang trí có chủ đề dây lá, mai, liên, cúc, trúc, sen, mẫu đơn hoặc các loại cây này đi với động vật như: mai - điểu (chim), liên - vịt, cò, thiên nga hoặc ngựa phi nước đại, cá nhảy, rồng cách điệu… 

Thông điệp của bộ sưu tập chính là nét đặc trưng riêng có của cổ dân Tây Nguyên gắn với rượu cần, rượu vò, bếp lửa… nơi hàng đêm, già làng kể khen, ngâm kể Nrí luật tục, hát đối, hát Yal Jao, Tam pớt, Lảh lông… nối mạch với dòng sử thi bất hủ từ tiền nhân đến hậu duệ. Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng Phạm Hữu Thọ thốt lên: Có một Tây Nguyên giữa lòng Đà Lạt, một Tây Nguyên gắn với các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn sắt, đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhẫn đồng, nhẫn bạc… với đầy đủ bộ đồ nghề đã làm ra các sản phẩm này. 

img
Hàng chục chiếc bình gốm sứ với đặc trưng của gốm hoa lam, bạch định, tam thái, men ngọc, men mầu nâu đỏ, mầu vàng tối...

Bộ nào cũng độc đáo, đầy đủ: Thí dụ nghề dệt có sa quay sợi, dụng cụ tách hạt bông, bộ khung dệt, thuốc nhuộm bằng vỏ cây, đồ để nhuộm… để bên dưới chiếc áo cổ xưa của người Xê Đăng, một chiếc khố thổ cẩm cổ dài nhất Tây Nguyên, áo thổ cẩm hai mảnh của người Mạ được xem là của người Phù Nam TK 2-7. Phạm Hữu Thọ đã từng tham gia hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học và tham quan nhiều bảo tàng nhưng anh đã phải “nghiêng mình kính nể” trước bộ sưu tập trang sức độc đáo mà anh chưa từng nhìn thấy ở nơi nào khác, đó là bộ ngà voi căng tai từ nhỏ đến lớn, cặp lớn nhất được nghệ nhân “thổi hồn” biến ngà voi thành hai đóa hoa vô thường.


Điều bất ngờ về chủ nhân của bộ sưu tập Đặng Minh Tâm ở chỗ anh am hiểu đến mức sâu sắc những đồ vật mà anh lưu giữ. Khi tôi đưa sinh viên đến tham quan, anh mang từng nhạc cụ ra biểu diễn, giải thích rằng: Lễ hội của các dân tộc bản địa Tây Nguyên với khèn - trống - chiêng cùng đội múa đi vòng quanh cây nêu theo chiều ngược kim đồng hồ với ý thức trở về nguồn cội. Anh mang bộ đồ làm nhẫn bạc bằng phân trâu ra đốt một bếp than nhỏ nung chảy bạc, đổ vào khuôn cùng sáp ong rồi lấy ra một chiếc nhẫn bạc hệt như một nghệ nhân làm nhẫn bạc người Chu Ru thực thụ. 

Mới đây, khi tìm hiểu lịch sử ngành An ninh Lâm Đồng, tôi phát hiện anh vốn xuất thân là lính của tiểu đoàn 1, tiểu đoàn tăng cường của Bộ Công an vào Lâm Đồng từ năm 1981 để chống Phun-rô. Anh kể rằng anh bắt đầu “mê” văn hóa Tây Nguyên ngay từ ngày đầu tiên bước vào ngôi nhà đơn sơ trong buôn làng nhỏ bé giữa đại ngàn. Kể chuyện này với cha mình, bố anh - một thầy giáo - khuyên con hãy tìm cách bảo tồn bản sắc các tộc người.

Thế là từ năm 1986 nhờ công việc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con các dân tộc, anh được bà con yêu mến tặng cho một số cổ vật. Anh hỏi, xem, cùng làm và nhớ tất cả, từ việc bà con làm chiếc cối giã gạo, đan chiếc gùi, chiếc giỏ, đến việc chặt cây, làm nhà… để đến bây giờ anh trở thành “kho tư liệu” sống về Tây Nguyên.