Một mình nằm trong căn phòng vắng tanh, trên bàn là bát cháo mẹ bưng vào từ sớm mà tôi chẳng thể nào nuốt trôi. Một cảm giác nghẹn ứ ở cổ họng, rã rời thân xác, tái tê tâm hồn và đau nhói ở trong tim.
Nỗi đau mất đi đứa con bé bỏng chưa kịp chào đời cùng sự hắt hủi, ruồng bỏ của gia đình nhà chồng tương lai như khiến tôi vùi sâu xuống đầm lầy bất hạnh.
Nhà anh cách nhà tôi cũng chỉ vài con hẻm nhỏ. Nhà anh giàu có, thuộc dòng dõi gia giáo, coi trọng danh dự và bố mẹ cũng đã “nhắm” cho anh một nàng dâu tương lai “môn đăng hộ đối”. Tất nhiên người đó không phải là tôi!
Thế nhưng đôi lứa làm sao thay đổi được sự sắp đặt của ông tơ bà nguyệt. Tôi và anh yêu nhau kể từ khi hai đứa bắt đầu lên thành phố học đại học. Tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt cứ thế lớn dần lên bất chấp sự phản đối của gia đình anh.
Để cứu vãn tình yêu đó, tôi đã phải cố gắng học hành thật chăm chỉ với mục đích ra trường xin được công việc tốt, kiếm thật nhiều tiền, trở thành người phụ nữ giỏi giang, thành đạt, khiến gia đình anh thay đổi cách nhìn về tôi. Thế nhưng, dù có cố gắng cách mấy thì người ta vẫn xem thường xuất thân nghèo hèn của đứa con gái này.
Thấy tôi buồn bã, chán chường, người yêu tôi bèn dùng đến kế sách cuối cùng – “ăn cơm trước kẻng” khiến tôi có thai và buộc gia đình anh phải chấp nhận cho tôi về làm dâu. Vì anh biết bố mẹ anh rất sĩ diện với bà con hàng xóm, sợ nếu không cho cưới thì thiên hạ sẽ bàn ra tán vào với những lời lẽ chẳng hay ho.
Thế là mưu kế của anh đã thành công mĩ mãn. Một lễ cưới sẽ được diễn ra chỉ có điều nó không được trọn vẹn như chúng tôi mong ước. Nhà anh rất hời hợt trong khâu tổ chức, chỉ “làm lấy lệ” cho có. Thấy gia đình tôi, gia đình, họ hàng anh chỉ nhìn “bằng nửa con mắt”.
Chưa hết, khi rước dâu, gia đình anh không muốn cho đàng gái đi vào bằng cửa chính mà phải chui ngõ sau để vào nhà. Bố mẹ anh cũng yêu cầu đám cưới xong, tôi phải hoàn trả lại họ tất cả nữ trang, vàng bạc mà họ tặng tôi lúc làm lễ… Trong mắt họ tôi chỉ là một đứa con gái hư hỏng, lầm lỡ!
Những hành động xem thường thông gia của nhà trai khiến tôi vô cùng ấm ức. Tôi thấy thương cho bố mẹ mình phải chịu nhục nhã và còn lo sợ không biết sau này về sống chung, họ sẽ còn đối xử tệ bạc với mình đến mức nào nữa! Thế nhưng vì con, vì anh, vì mái ấm hạnh phúc đang đón chờ, tôi ngậm ngùi chấp nhận tất cả.
“Bụng mang dạ chửa” mà tinh thần tôi liên tục bất ổn, ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe tụt dốc.... và điều gì đến cũng đến, cách ngày lễ cưới diễn ra đúng một tuần, tôi chẳng may bị sảy thai. Lúc này con tôi đã tròn 4 tháng tuổi.
Trong khi tôi vật vã đau đớn vì mất con thì một tin dữ khác nữa lại ập đến: phía gia đình nhà chồng đơn phương hủy đám cưới với lý do tôi đã làm mất đứa cháu của họ, họ cũng chẳng việc gì phải chịu trách nhiệm với tôi. Tất nhiên, chồng tương lai của tôi đã phản đối dữ dội nhưng rồi cuối cùng cũng bất lực trước sự độc đoán của bố mẹ anh.
Anh buồn rầu, chán nản qua nhà an ủi tôi rồi tối đó gói ghém hành lý bỏ vào thành phố sống. Anh còn dặn tôi khi nào khỏe thì vào đó với anh, hai đứa sẽ làm lại từ đầu mà không cần sự chúc phúc của gia đình anh nữa. Tôi nghẹn ngào trong nước mắt...
Dù có suy nghĩ đến cỡ nào đi nữa tôi vẫn không hiểu nổi tại sao gia đình anh lại ghét bỏ tôi như vậy! Nghèo khó có gì là sai khi con người ta sống trong sạch, biết phấn đấu vươn lên? Đôi lứa có quyền tự do lựa chọn, tự do yêu đương trong khuôn khổ pháp luật mà!
Tôi đã mất con, mất đi niềm hạnh phúc được làm cô dâu lung linh trong ngày cưới và còn khiến bố mẹ lo lắng, buồn tủi. Nhưng dù sao, tình yêu chung thủy của anh – người con trai tôi yêu thương thật lòng và cả sự hy sinh của bố mẹ tôi sẽ là động lực để cho tôi vực dậy làm lại tất cả vì chẳng có đau thương nào là mãi mãi.